Thế giới trong thập niên 2010-2019 đã chứng kiến nhiều bước đột phá của nền công nghệ. Song, cũng có những thiết bị khiến người ta chỉ muốn quên đi.
Những sản phẩm ấn tượng nhất
iPad (2010)
Apple giới thiệu chiếc iPad đầu tiên của mình vào tháng 4 năm 2010, từ đây hãng đã thành công trong việc kinh doanh một sản phẩm công nghệ mới lai giữa máy tính và điện thoại thông minh.
Thế hệ đầu tiên của iPad chưa được thiết kế tinh vi và tích hợp danh mục ứng dụng khá nghèo nàn. Với iPad và iPad Pro thế hệ thứ 7, Apple hiện đang chiếm 31% thị phần trên thị trường và hãng đang hướng tới thiết kế máy tính bảng của mình muốn thay thế máy tính xách tay.
Máy bay không người lái DJI Phantom (2013)
Máy bay không người lái phổ biến nhất trên YouTube, DJI Phantom, đã mang lại làn gió mới cho lĩnh vực thiết bị giải trí. Ra mắt năm 2013, DJI Phantom 1 không được tích hợp camera!
Rất dễ bay, tương đối rẻ tiền (679 USD vào thời điểm đó), dễ dàng vận chuyển, thiết bị này trở nên cần thiết đối với các nhiếp ảnh gia nghiệp dư, cũng như đối với các chuyên gia trong việc thực hiện các cảnh quay trên không.
Hiện DJI đã ra mắt Phantom phiên bản thứ tư và thiết kế của nó đã được nhiều nhà sản xuất khác sao chép.
Gậy chụp ảnh tự sướng (2014)
Biểu tượng của niềm kiêu hãnh trên mạng xã hội, gậy selfie (tự sướng) được sử dụng để chụp ảnh từ xa nhờ tay cầm. Được phổ biến bởi khách du lịch và các blogger, thiết bị này nhanh chóng trở thành một “cơn sốt”, trước khi trải qua những chỉ trích dữ dội vào cuối thập kỷ này do những tai nạn đáng tiếc mà nó gây ra. Gậy selfie hiện bị cấm ở một số bảo tàng, lễ hội và thậm chí trong các công viên Disney.
Tai nghe không dây AirPods (2016)
Sự ra đời của AirPods, vào năm 2016, đồng thời với sự biến mất của giắc cắm tai nghe trên iPhone 7. Một lần nữa, Apple đã tìm điểm phá cách trên thị trường với tai nghe không dây, lọc tiếng ồn môi trường xung quanh và điều khiển bằng giọng nói.
Mặc dù giá khá cao (179 euro cho thế hệ đầu tiên) nhưng tai nghe này đã chứng tỏ được sự thiết thực của chúng trong việc thực hiện cuộc gọi một cách kín đáo hoặc nghe nhạc bất kỳ lúc nào mà không cần chiếc iPhone bên cạnh.
Nhược điểm: chúng dễ bị mất và những người sử dụng chúng rất dễ bị tai nạn khi chìm vào thế giới âm thanh khi đang tham gia giao thông.
Xe tay ga điện Xiaomi M365 (2017)
Xe tay ga điện Xiaomi M365 là một trong những mẫu đầu tiên có mặt trên thị trường. Được bán với giá 350 euro và ra mắt năm 2017, thiết bị này đã nhanh chóng đạt được doanh số bán hàng tốt nhất và rất nhiều nhà khai thác xe tay ga tự phục vụ đã xuất hiện. Vì nguy cơ tai nạn và những chiếc xe tay ga được để tự do rải rác trên vỉa hè, các đô thị hiện đang dần hạn chế sử dụng thiết bị. Tốc độ của xe bị giới hạn ở mức 20 km/h trong thành phố.
Những sản phẩm đáng quên nhất
TV 3D và TV màn hình cong (2010)
Sau phim Avatar, nhiều dự đoán cho rằng TV 3D sẽ trở thành xu hướng mới. Ngoài TV 3D, các hãng còn thổi phồng công nghệ màn hình cong cho trải nghiệm hình ảnh xuất sắc.
Tuy nhiên, cả 2 công nghệ đều thất bại bởi chi phí đắt, không phù hợp với nhu cầu người dùng. Không ai muốn đeo kính 3D trong phòng khách chỉ để xem con khủng long thực hơn cả.
Sony Tablet P (2011)
Rất lâu trước khi có Galaxy Fold hay Huawei Mate X, Sony đã sáng tạo ra ý tưởng smartphone gập với mẫu Tablet P, trang bị thiết kế 2 màn hình khi mở ra cho không gian sử dụng lớn hơn. Tuy nhiên phần cứng không đáp ứng, phần mềm tối ưu kém đã khiến Sony Tablet P thất bại.
Google Glass (2013)
Đây từng là sản phẩm cực kỳ hoành tráng khi có thể nhận thông báo từ điện thoại, dẫn đường, quay phim thông qua màn hình nằm trước mắt bạn. Tuy nhiên, mức giá 1.500 USD và những lo ngại về quyền riêng tư khiến người dùng e dè khi chọn mua sản phẩm.
Samsung Gear VR (2015)
Trước khi Oculus hay HTC tham gia thị trường kính VR, Samsung đã sáng tạo ra chiếc kính VR có thể gắn điện thoại làm màn hình, không cần máy tính hay dây nhợ lằng nhằng.
Tuy nhiên sự hỗ trợ kém cỏi khiến Gear VR không đủ sức cạnh tranh. Những smartphone mới nhất hiện nay như Galaxy Note10 đã không còn hỗ trợ chiếc kính này.
Samsung Galaxy Note7 (2016)
Mẫu smartphone cao cấp với chip xử lý mạnh mẽ, công nghệ camera siêu nhanh, quét mống mắt và thiết kế cao cấp. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi bán ra, tình trạng cháy nổ pin đã khiến Samsung bị chỉ trích nặng nề. Có lẽ khai tử Note7 là cách giải quyết cuối cùng để chấm dứt mọi thứ.