Nối lại cung - cầu vốn: Nguồn 'dôi dư' cuối cùng đã trở lại

Ảnh minh họa.

Ngày 8/6, hệ thống ngân hàng đánh dấu khoản 2.000 tỷ đồng “dôi dư” cuối cùng gửi ở kênh tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn, trở lại guồng quay thị trường.

Theo đó, số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành đã chính thức bằng 0. Quy mô lên tới khoảng 147.000 tỷ đồng các ngân hàng thương mại tạm gửi ở kênh này đã trở lại hoàn toàn.

Thông thường, trong điều tiết và cân đối nguồn của hệ thống, khi có trạng thái dư thừa lớn, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu sử dụng công cụ tín phiếu phát hành để hút bớt tiền về. Cá biệt trước đây có hoạt động bán vàng ra bình ổn và hút bớt tiền về. Hoặc một vài thời điểm, nhà điều hành bán ròng ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, cũng hút bớt tiền về. Ngoài ra, hệ thống vẫn có trường hợp dư thừa và gửi Ngân hàng Nhà nước vượt mức dự trữ bắt buộc nhưng không lớn…

Còn vừa qua và hiện nay, trong cân đối chung, đặc biệt trong năm 2019, lượng tiền lớn đã “bơm” ra thị trường, qua việc Ngân hàng Nhà nước mua ròng tới khoảng 20 tỷ USD, đồng nghĩa với cung ứng khoảng 500.000 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để nhà điều hành dồn dập phát hành tín phiếu hút bớt tiền về từ đầu năm nay, với quy mô khoảng 147.000 tỷ đồng nói trên.

Cụ thể, ngày 20/01/2020, phiên đầu tiên đánh dấu hiện tượng Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút bớt tiền về. Hiện tượng này trở nên đặc biệt, vì trong suốt hàng chục năm qua, trước mùa cao điểm thanh toán chi trả cận Tết Nguyên đán hệ thống chưa từng có trạng thái dư thừa vốn mà nhà điều hành phải hút bớt về như vậy.

Khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính toán: kỳ hạn tín phiếu kéo dài hiếm thấy với 91 ngày. Cơ cấu này hàm ý phải tới 3 tháng sau nguồn tiền “dôi dư” này mới lần lượt đáo hạn để trở lại thị trường, kéo doãng kỳ hạn để hạn chế “ngập úng” cục bộ, mà lạm phát cơ bản cuối 2019 đầu 2020 đã có biểu hiện tăng cao.

Mặt khác, nhà điều hành cũng tính toán, qua kỳ hạn 91 ngày, nguồn vốn lớn đó lần lượt trở lại thị trường vào nửa cuối quý II - thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu vay vốn và tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh hơn như thường thấy những năm qua.

Tuy nhiên, năm nay, Covid-19 trở thành yếu tố và tác động bất thường. Tăng trưởng tín dụng đến nay vẫn rất thấp, một phần do nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh thấp.

Như vậy, ở cả hai chiều, đầu ra tăng chậm trong khi đầu vào có thêm sự trở lại của nguồn vốn “dôi dư” lớn nói trên, thanh khoản và cân đối với của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay thuận lợi.

Theo đó, một mặt, gần đây các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động, tiết giảm chi phí đầu vào. Điển hình như tại Vietcombank, tiền gửi của tổ chức kinh tế thường có món lớn, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 6%/năm thay vì áp gần ngang ngửa với tiền gửi dân cư mức cao nhất 6,8-6,9%/năm trước đây.

Mặt khác, trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào cung hỗ trợ nguồn, lãi suất hỗ trợ đã giảm rất sâu sau hai lần liên tiếp giảm các lãi suất điều hành ngày 17/3 và 13/5 vừa qua, thế những suốt thời gian qua cho đến nay gần như không có ngân hàng thương mại nào cần đến nguồn này.

Độ trễ đang được rút ngắn, quãng hệ thống ngân hàng giảm thiểu dần chi phí huy động đầu vào đang thể hiện, cùng cân đối nguồn có thêm bổ sung với sự trở lại nói trên, lãi suất cho vay đầu ra có thêm điều kiện để bình ổn.

Trạng thái và cân đối trên cũng là cơ sở cần thiết để từ cuối quý II, với nhịp độ sản xuất kinh doanh “vào mùa” như thường thấy những năm trước, cùng sự trở lại từng bước của nền kinh tế sau dịch Covid-19, cung - cầu vốn có thêm điều kiện để có thể gặp nhau thuận lợi hơn và tăng trưởng tín dụng kỳ vọng có chuyển biến rõ nét hơn.

Dự kiến ngày 12/6 tới, Nhịp sống Doanh nghiệp (BizLIVE) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi”.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia kinh tế, tài chính, chứng khoán và đại diện các doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng thương mại, cùng các nhà báo và phóng viên, bạn đọc quan tâm.

Nội dung tọa đàm sẽ tập trung trao đổi từ thực tiễn các ngân hàng thương mại đang triển khai các giải pháp, chương trình hỗ trợ khách hàng; những vướng mắc và yêu cầu đặt ra đối với và từ doanh nghiệp để hồi phục sản xuất kinh doanh; nhìn lại vai trò cầu nối thị trường vốn, với diễn biến đã thể hiện trên thị trường chứng khoán cùng dự báo; thị trường trái phiếu doanh nghiệp với hướng đi mới trong huy động vốn…


Nguồn: Báo BizLIVE

Tin liên quan