Phát triển cửa hàng tích hợp, ki-ốt trở thành xu hướng sau đại dịch

Do tác động của dịch COVID-19, giờ đây, việc tích hợp nhiều tiện ích trong một cửa hàng nhỏ, mở rộng điểm bán thông qua các ki-ốt tại các tòa nhà văn phòng đang là xu hướng kinh doanh tại TP.HCM.

Tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều chuỗi bán lẻ, ăn uống tích cực thay đổi mô hình để thích ứng. Không còn nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư cho một cơ sở kinh doanh lớn với chi phí mặt bằng cao. Giờ đây, việc tích hợp nhiều tiện ích trong một cửa hàng nhỏ, mở rộng điểm bán thông qua các ki-ốt tại các tòa nhà văn phòng đang là xu hướng kinh doanh tại TP.HCM.

Người tiêu dùng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng ngay tại các cửa hàng tiện ích. Ảnh: Việt Hùng

Giao dịch ngân hàng ở cửa hàng tiện ích

Thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội, anh Nguyễn Hoàng Phú, nhân viên một đại lý xuất khẩu có địa chỉ tại quận Gò Vấp phải làm việc tại nhà. Do tính chất công việc nên anh thường xuyên giao dịch ngân hàng nhưng việc đi lại khá bất tiện nhất là trong giai đoạn tăng cường giãn cách. Tuy nhiên, từ khi cửa hàng tiện ích ngay dưới chung cư nơi anh ở mở thêm quầy giao dịch ngân hàng, việc giao dịch đã thuận lợi hơn.

Anh Hoàng Phú chia sẻ: “Đi xuống mua hàng, mua đồ ăn có ngân hàng luôn thì rất tiện. Hôm trước tôi xuống làm thẻ ngân hàng và các dịch vụ khác”.

Hiện nay, những cửa hàng bách hóa tích hợp bao gồm: nhà thuốc, quầy trà sữa và điểm giao dịch ngân hàng đang được Winmart+ chính thức triển khai tại TP.HCM với 2 cơ sở từ tháng 10/2021. Đại diện hệ thống Winmart+ cho hay, người tiêu dùng sẽ được phục vụ dịch vụ tại điểm duy nhất. Với khách hàng, đó là sự thuận tiện, với doanh nghiệp thì đó là tăng phần doanh thu trên từng diện tích.

Mô hình tích hợp nhiều tiện ích trong 1 cửa hàng, được Winmart+ triển khai. Ảnh: Việt Hùng

Không chỉ phát triển các loại cửa hàng tích hợp mà mô hình ki-ốt, loại hình bán hàng quy mô nhỏ đang được các thương hiệu lớn tại TP.HCM như: Phúc Long, The Coffee House, Vua Cua, Passio… lên kế hoạch triển khai. Đại diện thương hiệu Phúc Long cho biết, đang đặt mục tiêu mục tiêu mở mới gần 1.000 ki-ốt trong vòng 12 tháng tới với kỳ vọng doanh thu vào khoảng 5 triệu đồng một ngày cho 1 điểm bán tích hợp.

Mô hình ki-ốt dành cho ăn uống thực tế đã phát triển tại TP.HCM từ nhiều năm trước. Tác động của đại dịch đã khiến nhiều chủ ngành cà phê tập trung mở rộng cho mô hình này thay vì đầu tư cho các cửa hàng tại chỗ với quy mô lớn. Chuỗi cà phê Passio là một ví dụ. Passio có ki-ốt bán cà phê mang đi đầu tiên vào năm 2016, với diện tích chỉ 15m2 tại TP.HCM. Ông Nguyễn Huy, Giám đốc vận hành chuỗi cà phê Passio cho biết, mô hình này linh động về mặt nhân sự, nhỏ gọn về sản phẩm, công thức vận hành tinh gọn nhất, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh doanh. Doanh nghiệp của ông Huy đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều ki-ốt trong năm 2022.

“Chúng tôi chỉ mất 12 tiếng đồng hồ để lắp ráp 1 ki-ốt, và cũng chỉ 12 tiếng để di chuyển sang vị trí ki-ốt mới nếu trong trường hợp vị trí cũ có vấn đề. Tất cả mô hình của chúng tôi đều có thể tái sử dụng, chi phí để di dời gần như bằng 0. Như vậy mới tạo nên sự linh hoạt trong phương pháp đầu tư", ông Nguyễn Huy cho biết thêm.

Ki-ốt tinh gọn, phục vụ bán mang đi trở thành xu hướng sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Việt Hùng

Giảm tối đa chi phí mặt bằng

Theo ông Lương Trọng Cần, Giám đốc chuỗi cà phê Ông Bầu, để sở hữu một mặt bằng, chi phí hàng tháng dao động từ 30-50 triệu đồng, chiếm gần 30%, thậm chí 50% tổng doanh số của một cửa hàng bình thường mang về. Đấy là chưa kể đến chi phí nhân công, chi phí giá vốn hàng bán, cuối cùng không hiệu quả. Do đó, mô hình ki-ốt sẽ năng động và có sức cạnh tranh hơn.

“Đối với những thương hiệu muốn phát triển trở lại trong ngành cà phê, người ta chọn phương án chi phí đầu tư thấp. Đối với những mô hình ki-ốt thì chi phí không cao, doanh thu sẽ hiệu quả hơn. Khách hàng sẽ tới những điểm này để mua, tác động Covid-19 không ảnh hưởng nhiều, có thể buôn bán như trước Covid”, ông Cần cho biết.

Theo một số chuyên gia kinh tế, ki-ốt là một trong những mô hình tiềm năng cho việc mở rộng điểm bán. Để thành công thì phải có 2 yếu tố: thứ nhất, các doanh nghiệp tập trung cho chất lượng sản phẩm. Thứ hai, cách thiết kế, vận hành phải thuận tiện đối với khách hàng. Hoạt động bán hàng thông qua ki-ốt nhỏ gọn về mặt mô hình, tiếp cận mọi ngóc ngách, tiếp cận nhiều nguồn khách hàng khác nhau. Điểm cộng dễ nhận thấy đầu tiên ở mô hình ki-ốt là giúp chuỗi đa dạng hóa nguồn thu.

Mô hình xe đẩy có thể tích hợp với nhiều vị trí, giúp tiết giảm chi phí và tăng doanh thu cho các hộ kinh doanh. Ảnh: Việt Hùng

Ông Hồ Minh Chính, chuyên gia bán lẻ cho biết, ki-ốt phục vụ bán mang đi phù hợp trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp và lâu dài, hàng quán cho mở lại nhưng không được phục vụ tối đa công suất.

“Mua đồ tạp hóa kết hợp có thể mua nước uống mang đi, hoặc là thực hiện những giao dịch của ngân hàng, theo tôi là xu hướng nên làm và tiện lợi cho khách hàng. Các thương hiệu lớn đang thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình hình hiện nay. Bên cạnh đó họ tạo ra xu hướng mới, xu hướng tiêu dùng mới, người tiêu dùng ghé mua rồi đi làm việc hoặc đem về nhà”, ông Chính nêu rõ.

Cửa hàng tích hợp, ki-ốt sau tác động của đại dịch COVID-19 đang trở thành xu thế phát triển của nhiều thương hiệu bán lẻ. Thực tế, sự chuyển đổi này sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa doanh thu bằng cách "năng nhặt chặt bị”, các ki-ốt nhỏ len lỏi các con phố có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhanh chóng./.

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-cua-hang-tich-hop-ki-ot-tro-thanh-xu-huong-sau-dai-dich-903237.vov

Tin liên quan