Tài dụng binh của thầy Park và bản lĩnh Việt Nam

Tài dụng binh của thầy Park

Bước vào trận đấu với Indonesia, HLV Park Hang-seo phải chịu đựng tổn thất lớn nhất kể từ khi ông dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam vào cuối năm 2017. Không chỉ mất Đỗ Hùng Dũng vì chấn thương, HLV người Hàn Quốc còn không có sự phục vụ của Trọng Hoàng, Đình Trọng vì án treo giò, Đặng Văn Lâm vắng mặt vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, Đoàn Văn Hậu cũng không đủ thể lực để ra sân ngay từ đầu. Cả 5 cái tên này đều là những cầu thủ quan trọng, những ngôi sao yêu thích của thầy Park.

Không quá khi nói rằng đội tuyển Việt Nam mất gần một nửa đội hình chính trước Indonesia. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi đối thủ của chúng ta có dấu hiệu hồi phục cùng một người Hàn Quốc khác: Shin Tae-yong. Ở lượt đấu trước, Indonesia đã khiến cả Đông Nam Á bất ngờ khi cầm hòa Thái Lan 2-2 với đội hình có độ tuổi trung bình chưa đầy 23.

HLV Park Hang-seo có một trận đấu dụng binh hiệu quả.

Shin Tae-yong không phải người xa lạ với thầy Park. Thậm chí HLV 51 tuổi này được xem là khắc tinh của HLV tuyển Việt Nam. Khi cả hai còn làm việc tại K-League cách đây 10 năm, Shin Tae-yong đã thắng HLV Park Hang-seo 8/10 lần họ đối đầu với nhau, một thành tích hoàn toàn vượt trội. Tất nhiên, Shin Tae-yong có lợi thế khi được dẫn dắt đội bóng mạnh hơn, nhưng điều đó không thể ngăn người hâm mộ lo lắng cho thầy Park.

Không ai khác, đích thân HLV Park Hang-seo đã đập tan các lo lắng đó, đồng thời chứng minh thành tích đối đầu giữa ông và Shin Tae-yong phụ thuộc vào lực lượng đang có trong tay. Cho dù mất một loạt trụ cột, đội tuyển Việt Nam vẫn có dàn cầu thủ tài năng và giàu kinh nghiệm hơn hẳn Indonesia. Quan trọng hơn, HLV Park Hang-seo một lần nữa dụng binh như thần.

Một trong những yếu tố chính giúp HLV Park Hang-seo thành công với bóng đá Việt Nam chính là khả năng “liệu cơm, gắp mắm”. Ông biết khi nào Việt Nam cần chơi thứ bóng đá xù xì, thực dụng và khi nào chúng ta có thể tạo ra một màn trình diễn đẹp, áp đảo đối thủ. Trước Indonesia, Việt Nam vẫn sử dụng sơ đồ 3-4-3 (hay chính xác là 3-4-2-1), nhưng đội hình lại thiên hẳn về tấn công với bộ đôi tiền vệ trung tâm Tuấn Anh và Quang Hải ở giữa sân.

Cả Tuấn Anh và Quang Hải đều không phải là “máy quét” đúng nghĩa. Quang Hải thậm chí rất yếu ở khả năng tranh chấp. Nhưng bù lại, họ có thể cầm bóng, điều phối bóng. Sau khi Tuấn Anh chấn thương, HLV Park Hang-seo tiếp tục trung thành với ý đồ của mình bằng cách đưa Lương Xuân Trường vào sân. Trong một trận đấu khác, trước một đối thủ khác, HLV người Hàn Quốc có lẽ đã sử dụng Phạm Đức Huy hoặc Nguyễn Thành Chung để gia tăng chất thép ở tuyến giữa.

Tương tự như vậy, việc sử dụng hai hậu vệ cánh có thiên hướng tấn công như Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh cho thấy cái tầm của HLV Park Hang-seo. Ông không chỉ hiểu rõ con người mình có mà còn đọc vị được đối thủ, một cách rất thường xuyên. Ít ai ngờ Hồng Duy mỏng manh lại là người có hai đường chuyền thành bàn, trong khi Văn Thanh tự mình lao lên tung đòn “kết liễu” đối thủ.

Bản lĩnh Việt Nam

Bên cạnh những điều chỉnh chiến thuật chính xác của HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam đã giành chiến thắng vang dội nhờ bản lĩnh của các cầu thủ trên sân. Đó là thứ bản lĩnh của một đội bóng cửa trên - một ông lớn trong khu vực. Đã xa rồi ngày các cầu thủ Việt Nam vừa đá vừa run vì áp lực hoặc vì sự kỳ vọng của đám đông.

Không quá lời khi nói rằng đội tuyển Việt Nam đá với tuyển Indonesia giống như những người đàn ông trưởng thành thi đấu với đám trẻ. Sự chênh lệch quá lớn thể hiện qua chính những pha vào bóng thô bạo của đối thủ. Sau trận đấu, HLV Shin Tae-yong khẳng định ông không chỉ đạo các cầu thủ Indonesia, mà tự họ đã chơi bạo lực. Khó trách được HLV người Hàn Quốc, bởi lẽ khi cảm giác bất lực xâm chiếm, các cầu thủ áo trắng chỉ còn cách giải tỏa bằng những pha phạm lỗi, những pha xoạc bóng như thể họ không còn trận đấu nào khác trong đời.

Sự thô bạo của Indonesia tăng cao một phần vì tiếng còi hời hợt của trọng tài Ahmad Al Ali. Ngay trong tình huống Satriya Arif phi thẳng gầm giày vào ống đồng Tuấn Anh ở phút 23, vị vua áo đen người Kuwait dù quan sát kỹ nhưng vẫn không cắt còi. Nếu là trọng tài khác, Satriya Arif sẽ phải nhận thẻ đỏ vì hành vi cố gắng triệt hạ đối thủ. Nhưng không có gì xảy ra, và Indonesia trong khoảnh khắc tin rằng họ có thể khiến đội tuyển Việt Nam chùn chân bằng những đòn thù.

Tiếc là Indonesia đã nhầm. Việt Nam hiện tại đang ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Những lần nằm sân của đồng đội chỉ khiến những Quang Hải, Tiến Linh, Văn Thanh… trở nên sắt đá và lạnh lùng hơn. Sự thô bạo của Indonesia cũng thúc giục các cầu thủ Việt Nam xử lý nhanh hơn, quyết đoán hơn, và đó chính là tiền đề tạo ra hiệp hai bùng nổ, trong đó có 3 bàn thắng đến chỉ trong vòng 12 phút (phút 62 đến phút 74).

Bản lĩnh vốn là khái niệm vô hình, nhưng chỉ trong 90 phút ở sân Al Maktoum Stadium, các cầu thủ Việt Nam đã khắc họa nó một cách rõ nét trên cái nền tương phản là sự non nớt của Indonesia.

Nỗi buồn Tuấn Anh

Chỉ có một vết gợn nhẹ trong chiến thắng 4-0 của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia, đó là hình ảnh buồn bã của Nguyễn Tuấn Anh khi tiền vệ này lê bước rời sân khi hiệp một còn chưa kết thúc. Sự nghiệp của Tuấn Anh liên tục bị gián đoạn vì chấn thương, đến mức tiền vệ của HAGL từng thề rằng anh sẽ treo giày nếu lại phải nghỉ thi đấu dài hạn. Cũng vì thế, mỗi lần Tuấn Anh nằm sân là những lần người yêu mến anh đứng ngồi không yên. Sau trận đấu, tiền vệ gốc Thái Bình thừa nhận anh chỉ xin HLV Park Hang-seo thay người khi không còn chạy được nữa. Cổ chân của số 11 đau buốt sau cú phi chân của hậu vệ Indonesia. Sẽ rất đáng tiếc nếu hành trình của Tuấn Anh ở UAE khép lại từ đây. Kể từ khi trở lại đội tuyển Việt Nam, Tuấn Anh đã tự hoàn thiện, nâng cấp bản thân trở thành một tiền vệ toàn diện hơn bao giờ hết. Anh không chỉ duy trì thế mạnh ở khả năng chuyền bóng mà còn biến mình thành một “máy quét” âm thầm khi cần thiết.

Nguồn CAND

Tin liên quan