'Thay áo' cho khu vực Tây Bắc TP HCM
Khi khu vực Tây Bắc TP HCM phát triển tương xứng với tiềm năng, không chỉ góp phần vào sự phát triển chung của thành phố mà còn đẩy mạnh liên kết vùng
Quy hoạch chung TP HCM xác định đến năm 2025 phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, bao gồm khu vực trung tâm và 4 cực phát triển ra 4 hướng là Đông, Nam, Tây Bắc và Tây - Tây Nam. Trong đó, huyện Hóc Môn và Củ Chi là 2 huyện ngoại thành chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của thành phố với diện tích khoảng 544.000 ha, là cửa ngõ kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương.
Bí bách giao thông
So với những địa phương lân cận như quận 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh thì 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn nằm phía Tây Bắc TP HCM, phát triển kém hơn vì hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng.
Trục đường chính từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc là tuyến Quốc lộ 22, hiện đang quá tải. Ghi nhận cho thấy khi "điểm nóng" ùn ứ tại nút giao An Sương vừa được tháo gỡ thì nhiều "điểm nóng" khác xuất hiện như giao lộ Quốc lộ 22 với đường Nguyễn Ảnh Thủ, Lê Thị Hà, Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) và đoạn Quốc lộ 22 giao với Nguyễn Thị Rành (huyện Củ Chi). Những đoạn này thường xuyên ùn ứ giao thông vào sáng, trưa và chiều khi lượng ôtô, xe tải tăng. Không chỉ tuyến Quốc lộ 22 đang quá tải mà nhiều tuyến đường chính kết nối huyện Hóc Môn, Củ Chi với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Tây Ninh đều trong tình trạng xuống cấp, quá tải, chưa được đầu tư mở rộng nhiều năm qua.
Quốc lộ 22 thường xuyên ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện. Ảnh: THU HỒNG
Nhiều năm trăn trở với hệ thống hạ tầng cản trở sự đi lên của huyện nhà, ông Nguyễn Văn Phong - cán bộ hưu trí xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - chỉ thẳng ra những điểm nghẽn: đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa kết nối huyện Hóc Môn với tỉnh Long An bao nhiêu năm nay cũng chỉ mở rộng được vài ba mét dù lượng phương tiện tăng gấp 3-4 lần trong khi đây là trục đường chính kết nối huyện Hóc Môn với nhiều khu đô thị, khu công nghiệp của tỉnh Long An. Tương tự, đường Đỗ Văn Dậy kéo dài đến Tỉnh lộ 15 kết nối huyện Hóc Môn với tỉnh Bình Dương cũng quá hẹp so với nhu cầu thông thương hàng hóa. Các tuyến đường kết nối huyện Hóc Môn với huyện Bình Chánh như Dương Công Khi, Phạm Văn Sáng, Phan Văn Đối... cũng đã xuống cấp, đi lại rất khó khăn. "Nhiều nhà đầu tư đến đây định mở nhà máy, xí nghiệp, đều lo ngại bỏ đi nơi khác" - ông Phong ngán ngẩm.
Tương tự, tại huyện Củ Chi, các tuyến đường chính kết nối khu Tây Bắc TP HCM với tỉnh Long An như Tỉnh lộ 8, hay kết nối với tỉnh Bình Dương như Tỉnh lộ 15, Tỉnh lộ 7 đều nhỏ hẹp, xuống cấp và quá tải nhiều năm nay.
Chia sẻ với chúng tôi về trải nghiệm đầu tư tại cửa ngõ Tây Bắc TP HCM, ông Nguyễn Đức Trung (quận 3), chủ một doanh nghiệp kinh doanh trái cây sấy, cho rằng đất đai ở Hóc Môn và Củ Chi còn rộng nhưng đa số đất đều rơi vào vùng có quy hoạch, không thể mua để đầu tư, xây nhà xưởng lâu dài. Chưa kể, hệ thống hạ tầng của 2 địa phương này chưa được đầu tư tương xứng, ngoại trừ một số tuyến như Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), Tô Ký... đi qua địa bàn huyện Hóc Môn vừa được nâng cấp, mở rộng thành đường giao thông đô thị, còn lại đa số các đường rất nhỏ hẹp, lưu thông khó khăn, ùn ứ thường xuyên.
Đất đai "bất động"
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, nhận định tiềm năng đất đai của huyện còn rất lớn nhưng đang "bất động", gây lãng phí lớn. Ông nói toàn huyện có diện tích hơn 11.000 ha nhưng vẫn còn 40%-48% diện tích đất sử dụng không hiệu quả (khoảng 4.500 - 5.000 ha). Có những nơi quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch không phù hợp thực tế như khu dân cư lại quy hoạch trường học, công viên hay đất ruộng vườn thì quy hoạch đô thị.
Dẫn chứng cụ thể, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn nói về trường hợp của cánh đồng hoa Nhị Bình, nơi rất được các bạn trẻ ưa chuộng, rủ nhau đến đây chụp ảnh, chủ vườn rất muốn đầu tư mở rộng nhưng không thể do vướng quy hoạch từ rất lâu mà không thực hiện. "Quy hoạch không hợp lý khiến người dân không thể xây nhà, không chia cho con cái, không giao dịch được, rất bức xúc" - ông Trần Văn Khuyên nói. Theo ông, những điểm nghẽn này khiến huyện nhà trì trệ nhiều năm nay, không phát triển được, thậm chí nhiều hồ sơ khiếu nại tồn đọng, Huyện ủy và UBND huyện phải chia nhóm ra xử lý cho người dân. "Các nơi lân cận đã phát triển hết rồi, trong khi Hóc Môn cứ mãi ì ạch. Do đó, địa phương rất mong thành phố sớm điều chỉnh quy hoạch của Hóc Môn, phát triển thành đô thị chứ không phải là quy hoạch của một huyện nữa" - ông Trần Văn Khuyên nói.
Nhiều khu đất có giá trị ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM do nằm trong quy hoạch khu công nghiệp 380 ha đành phải bỏ trống nhiều năm. Ảnh: THU HỒNG
Trong khi đó, ông Nguyễn Quyết Thắng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi - cho biết dù những năm qua, kinh tế - xã hội huyện phát triển khá cao khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 16,16% nhưng đánh giá một cách toàn diện, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, Củ Chi cần phải được đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, có chính sách để thu hút các nhà đầu tư, thu hút những tinh hoa đến với huyện nhằm xây dựng một đô thị phát triển bền vững.
Vùng đất với nhiều dự án "treo"
Không chỉ bức bách về hạ tầng giao thông, quy hoạch, lãnh đạo 2 địa phương trên cho biết đang gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều dự án "treo" trên địa bàn. Đa số các dự án có diện tích lớn, kéo dài nhiều năm chưa thực hiện gây bức xúc cho người dân.
Điển hình như 2 đại dự án khu đô thị Tây Bắc TP HCM và dự án Công viên Sài Gòn Safari. Nếu hơn 20 năm trước, hàng chục ngàn hộ dân ở huyện Củ Chi, Hóc Môn dọc theo Quốc lộ 22 vui mừng khi thông tin dự án khu đô thị Tây Bắc với quy mô hơn 6.000 ha, sẽ triển khai. Dự án này được kỳ vọng thay đổi bộ mặt phía Tây Bắc TP HCM khi được định hướng thành một trong những khu đô thị vệ tinh với nhiều khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục... Tuy nhiên, trái ngược với sự vui mừng, kỳ vọng ban đầu, sau hơn 20 năm, khu đô thị này vẫn nằm trên giấy, mặc dù TP HCM liên tục kêu gọi đầu tư vào dự án này. Hệ quả là hàng ngàn hộ dân ở Củ Chi và Hóc Môn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch "treo" nhiều năm liền, khi không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa dù đây là nhu cầu rất bức thiết. Cách khu đô thị Tây Bắc khoảng 8 km là dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) cũng "treo" hàng chục năm nay, ảnh hưởng gần 800 hộ dân khi gần 20 năm qua chưa hoàn thành.
Ngoài 2 dự án trên, hàng loạt dự án đô thị, khu dân cư khác có quy mô lớn tại Hóc Môn, Củ Chi cũng trong tình trạng "treo" suốt thời gian dài. Trong đó có thể kể đến dự án khu đô thị An Phú Hưng (huyện Hóc Môn), diện tích gần 700 ha, được giao đất để đầu tư từ năm 2004 với kỳ vọng trở thành "Phú Mỹ Hưng thứ 2". Thế nhưng, sau hơn 10 năm không thể đền bù giải tỏa, năm 2016, UBND TP HCM quyết định xóa bỏ dự án này. Hay như khu đô thị Đại học quốc tế diện tích 924 ha tại huyện Hóc Môn cũng trong tình trạng không thể giải phóng mặt bằng để thực hiện dù được cấp phép từ năm 2008...
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/thay-ao-cho-khu-vuc-tay-bac-tp-hcm-20220509210144477.htm