Ở khía cạnh tích cực, cầu thủ ngoại làm cho V.League hấp dẫn hơn và các cầu thủ nội cũng học hỏi được nhiều hơn Ảnh: VPF
Tuy nhiên, ông Park than thì cứ than còn các câu lạc bộ vẫn cứ làm tiếp công việc của mình là chiêu mộ thêm các ngoại binh, nhất là vị trí tiền đạo.
Ông Park kêu vẫn cứ kêu
Thực ra ông Park than phiền là cũng có lý do bởi kể từ năm 2018 tới giờ, đội tuyển vẫn chưa thể tìm thêm các gương mặt sáng giá trên hàng công. “Vấn đề ở đây là chúng ta đang yếu tiền đạo. Tôi không muốn nói riêng đến từng cá nhân nhưng phải thừa nhận Công Phượng, Tiến Linh, Đức Chinh – 3 tiền đạo chơi ở trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển, dù chưa nổi trội hôm nay, nhưng tôi cũng không tìm được ai tốt hơn họ. Đó là vấn đề đấy. Hãy hỏi xem vì sao bóng đá Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu tiền đạo như vậy. Các tiền đạo U22 Việt Nam về CLB cũng dự bị. Tôi mong VFF, VPF nên xây dựng cơ chế, áp dụng một định mức rằng sẽ có bao nhiêu cầu thủ trẻ hay cụ thể là tiền đạo trẻ được vào sân thi đấu cho một trận. Chứ hiện giờ, ở V.League, 80% đội dùng ngoại binh đá tiền đạo”, ông Park than thở.
Thế nhưng ông Park than thì cứ than, còn việc của các câu lạc bộ là tiếp tục chiêu mộ thêm cầu thủ ngoại và gia cố hàng công. Gần đây nhất, ngày 28.12, CLB SLNA đã chính thức ra mắt ngoại binh thứ 2 ở V.League 2021 là tiền đạo Bruno Henrique, người từng khoác áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở mùa giải trước và ghi được 10 bàn thắng sau 20 trận đấu. Với việc có được chữ ký của Bruno Henrique, SLNA đã có 2 ngoại binh ở vị trí tiền đạo là Bruno và Peter Samuel. Trước đó CLB TP Hồ Chí Minh hoàn tất hợp đồng 8 tỉ với chân sút ngoại Brazil là Joao Paulo, CLB Viettel cũng chính thức chiêu mộ thành công chân sút ngoại Pedro Paulo từ CLB Sài Gòn. CLB Sài Gòn cũng vừa cho biết họ chiêu mộ thành công tiền đạo từng vô địch Nhật Bản, Takasaki Horoyuki. Trong khi đó CLB Hà Nội đã ký hợp đồng với tiền đạo Geovane Magno, chân sút chủ lực CLB Sài Gòn ở mùa giải 2020.
Thế nên lời than của ông Park sẽ tiếp tục không có lời giải. Bởi đúng như lời của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, đơn vị tổ chức giải: “Chúng ta buộc phải cân bằng giữa lợi ích của đội tuyển và lợi ích của các câu lạc bộ. Nếu cầu thủ trẻ nội nào mà cũng đá tốt như mấy cầu thủ của CLB Hà Nội thì câu lạc bộ cũng sẽ sử dụng cầu thủ nội”. Đây cũng là thực tế tồn tại nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam, bởi V.League luôn khan hiếm các tiền đạo nội giỏi nên các câu lạc bộ buộc phải chiêu mộ ngoại binh ở vị trí này. Và không phải đợi đến khi ông Park than thở, bóng đá Việt Nam mới nhận thức được vấn đề. Ngay từ khi V.League khoác áo chuyên nghiệp, từ năm 2000, các câu lạc bộ đã được sử dụng cầu thủ ngoại, có giai đoạn điều lệ giải quy định, mỗi câu lạc bộ có tối đa 5 cầu thủ và được ra sân tối đa 3 cầu thủ ngoại. Nhưng sau đó do lo ngại các cầu thủ ngoại chiếm hết đất diễn của các cầu thủ nội mà quy định này được điều chỉnh xuống còn 2 cầu thủ ngoại được vào sân. Chỉ có điều chất lượng giải đấu bị đi xuống và bắt đầu từ mùa giải năm 2019, quy định này được điều chỉnh là mỗi câu lạc bộ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại.
Không chỉ riêng Việt Nam
Một quan chức VFF tiết lộ, để giữ được mức 3 cầu thủ ngoại như này đã là rất khó bởi nhiều câu lạc bộ đề nghị VFF được dùng thêm nhiều cầu thủ ngoại để tăng tính hấp dẫn cho giải đấu và khi được thi đấu, cọ xát với các cầu thủ giỏi, chất lượng của cầu thủ nội sẽ tốt hơn. Thế nên bản thân ông Park cũng ý thức được rằng việc thay đổi ở V.League là rất khó. Điều đó đòi hỏi vị chiến lược gia người Hàn Quốc phải có thêm cách thức để gia cố hàng công cho đội tuyển.
Thực tế việc các đội bóng sử dụng nhiều cầu thủ ngoại dẫn đến việc mất chỗ của cầu thủ nội là thực trạng của khá nhiều nền bóng đá. Chẳng hạn như Giải vô địch quốc gia của Đức – Bundesliga, 18 đội bóng sử dụng tới 300 cầu thủ ngoại, trong đó đội sử dụng nhiều nhất lên tới trên 20 cầu thủ ngoại. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng đội tuyển Đức cũng đang gặp vấn đề tương tự đội tuyển Việt Nam khi hàng công thiếu hụt trầm trọng các trung phong xuất sắc. Giờ bóng đá Đức cũng phải “mò kim đáy biển” mà cũng không ra được những tiền đạo như cỡ Klose trước đây. Ở giải ngoại hạng Anh, 20 đội bóng cũng sử dụng 345 cầu thủ ngoại, trung bình mỗi câu lạc bộ sử dụng 17,25 cầu thủ/đội. Ở châu Á, Giải vô địch quốc gia Nhật Bản, 18 đội sử dụng 93 ngoại binh.
Tại Trung Quốc, 16 đội bóng dự Giải vô địch quốc gia dùng 94 cầu thủ ngoại. Trong khi đó giải vô địch quốc gia quê hương ông Park, 12 đội sử dụng 33 ngoại binh (trung bình mỗi đội sử dụng 2,75 cầu thủ ngoại). Tại khu vực ĐNÁ, tại V.League 2020, 14 CLB sử dụng 41 cầu thủ ngoại trong khi Thái Lan 16 đội sử dụng 93 cầu thủ ngoại, đội thấp nhất sử dụng 5 và đội nhiều nhất là 8 cầu thủ ngoại. Malaysia, 12 đội sử dụng 67 cầu thủ ngoại; Indonesia 18 đội dùng 50 cầu thủ ngoại và Singapore 9 đội sử dụng 59 cầu thủ ngoại. Những ví dụ này cho thấy tỉ lệ sử dụng gần 3 cầu thủ ngoại/câu lạc bộ của V.League không phải là nhiều so với mặt bằng chung của nhiều nước trên thế giới và vì thế khó xảy ra khả năng VFF, VPF phải điều chỉnh lại quy định sau lời kêu ca của ông Park. Nhiều HLV ở V.League cũng phản bác ý kiến của ông thầy người Hàn Quốc và cho rằng, nếu cầm quân ở V.League, ông Park cũng sẽ sử dụng ngoại binh như vậy thôi.
Thế nên trước thực tại không thể thay đổi, không còn cách nào khác, vị HLV rất được nhân dân Việt Nam yêu mến này lại một lần nữa phải trổ tài “liệu cơm, gắp mắm” để hóa giải bài toán trên hàng công của các đội tuyển Việt Nam.