TP.HCM không ngăn sông cấm chợ nhưng không lơ là COVID-19

Sáng 28-4, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Tại buổi làm việc, bộ trưởng Y tế cho biết qua đánh giá và phân tích các yếu tố nguy cơ, TP.HCM là địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao nhất. Từ các thông tin ở cuộc họp, Phó Thủ tướng đã đề nghị TP.HCM thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Người dân đeo khẩu trang ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần đặt trong tình trạng như có dịch

Trước diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng dịch COVID-19 trở lại ở nhiều nước trên thế giới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định tình hình này không cho phép TP chủ quan, lơ là, mà phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Về phòng chống dịch bệnh cho công tác bầu cử sắp tới, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã yêu cầu Sở Y tế cùng các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM làm việc với Ủy ban bầu cử TP.HCM để lên phương án phòng chống dịch, từ tiếp xúc cử tri đến các điểm bỏ phiếu, các khu vực bỏ phiếu ở khu cách ly tật trung. Tất cả đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết qua đánh giá và phân tích các yếu tố nguy cơ thì TP.HCM là địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao nhất. “Mặc dù chưa phát hiện ca bệnh trong cộng đồng nhưng chúng tôi đề nghị TP kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng dịch, đặt trong tình trạng báo động cao, coi như đã có dịch để triển khai tất cả biện pháp” - bộ trưởng Y tế nói.

Đối với các ngày lễ sắp tới, bộ trưởng Y tế cho rằng do nhu cầu đi lại lớn nên TP.HCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát nơi tập trung đông người như nhà hàng, siêu thị, khu vui chơi.

Về cách ly tập trung, cần xây dựng phương án cách ly trên diện rộng kết hợp với phương án điều trị nâng cao. Rà soát lại các cơ sở, lực lượng và trang thiết bị phục vụ công tác điều trị để chủ động cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị TP hỗ trợ công tác xét nghiệm cho các tỉnh lân cận để tăng hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh.

Cả nước có 8.000 người nhập cảnh trái phép

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, trong quý I-2021, công an cả nước đã phát hiện 1.400 vụ và 8.000 người nhập cảnh trái phép. Trong đó đã có nhiều trường hợp bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Tại TP.HCM, trong một tháng qua đã phát hiện 108 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó 104 trường hợp là người Trung Quốc.

“Chỉ một ca nhiễm sẽ rất khổ”

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế - xã hội của TP.HCM thời gian qua, đặc biệt là những cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc và chung tay của nhiều lực lượng và người dân.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng với số người mắc, người tử vong gia tăng. TP.HCM là trung tâm kinh tế - xã hội, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại rất cao nên cần phải cảnh giác. Nếu ở đây có ca nhiễm sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với cả nước. “Chỉ một ca nhiễm lây trong cộng đồng, một tuần lễ sau chúng ta mới phát hiện thì cách ly, truy vết cực kỳ khó khăn và khiến cho các lực lượng rất khổ” - ông Bình nói.

Ông yêu cầu không ngăn sông cấm chợ làm trở ngại việc phục hồi kinh tế nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. Nhiệm vụ phòng chống dịch phải được xác định là trọng tâm và đặt lên hàng đầu, coi đây là điều kiện tiên quyết để ổn định và phục hồi kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM cần đẩy mạnh kiểm tra việc tự đánh giá và chấp hành khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, các tiêu chí an toàn về phòng chống dịch tại tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của ngành y tế. “Không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ông cũng đề nghị TP.HCM xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất khi có nhiều ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn. Lãnh đạo TP.HCM phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban bí thư và Chính phủ về tình hình phòng chống dịch tại địa phương.

Về các khu cách ly, Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối tuân thủ các biện pháp theo quy định của Bộ Y tế.

Ông cũng yêu cầu tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh. Đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép và làm tổn hại đến kết quả phòng chống dịch, cần xem xét xử lý nghiêm theo pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống COVID-19 đến từng người dân để chủ động, tự giác bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Cùng với đó là hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động đông người không cần thiết, hạn chế tập trung đông người.•

Nhiều địa phương tập trung chống dịch

Ngày 28-4, UBND tỉnh Cà Mau có công văn truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân. Theo đó, các địa phương, các đơn vị trong tỉnh hạn chế tổ chức các hoạt động, sự kiện mang tính vui chơi, giải trí không cần thiết. Tiếp tục duy trì khai báo y tế điện tử bằng mã QR Code, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục phòng chống dịch, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Kích hoạt lại các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng...

Khánh Hòa hủy bắn pháo hoa dịp lễ 30-4 và 1-5 để phòng tránh dịch COVID-19, đồng thời giảm quy mô hoạt động nghệ thuật, du lịch theo kế hoạch để tránh tập trung đông người.

Lãnh đạo các địa phương như Đà Nẵng, Thanh Hóa... cũng đã có văn bản giảm quy mô lễ hội, tập trung phòng chống dịch COVID-19. NHÓM PV

Nguồn PLO

Tin liên quan