Triển vọng kinh tế châu Á bị đe dọa

Nhiều nhà đầu tư khẳng định châu Á là một trong những khu vực có triển vọng kinh tế tươi sáng nhất vào năm tới nhờ chống dịch Covid-19 tương đối tốt. Tuy nhiên, một vài chuyên gia cảnh báo sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm gần đây ở một số quốc gia có thể đe dọa triển vọng chung của khu vực. Theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), phần lớn các nước châu Á vẫn ghi nhận mức tăng ca mắc Covid-19 hằng ngày thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, một vài quốc gia châu Á đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng hơn nhiều so với giai đoạn đầu của đại dịch.

Công ty Tư vấn Pantheon Macroeconomics (Anh) khẳng định trong báo cáo mới nhất, được công bố hôm 23-12, rằng các biện pháp chống dịch "tương đối mềm mỏng" của chính phủ Nhật Bản dường như không đủ sức làm chậm tốc độ lây nhiễm và điều này có thể dẫn đến những biện pháp khắc nghiệt hơn trong vài tháng tới. "Không thể loại trừ kịch bản Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc lần 2, nghiêm ngặt hơn" - báo cáo cho biết, đồng thời khẳng định động thái này nếu được thực hiện sẽ gia tăng sức ép lên kinh tế Nhật Bản trong quý I/2021.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 25-12. Ảnh: REUTERS

Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc tháng này liên tục ghi nhận những mức tăng cao chưa từng thấy. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) hôm 25-12 thông báo nước này có thêm 1.241 ca mắc Covid-19 sau 24 giờ, mức tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch khởi phát.

Tuy nhiên, không giống Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc triển khai các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn. Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm 22-12 ban bố lệnh cấm tụ tập trên 5 người, đồng thời yêu cầu đóng cửa mọi khu trượt tuyết và địa điểm du lịch trên khắp cả nước. Đến ngày 25-12, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hàn Quốc Yoon Tae-ho thông báo một cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 27-12 để bàn về việc liệu có cần thiết thắt chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội hay không. Chính phủ Hàn Quốc thời gian qua từ chối thực hiện lời kêu gọi áp lệnh phong tỏa cấp độ 3 (cấp độ nghiêm trọng nhất) ít nhất là ở vùng thủ đô Seoul vì những lo ngại kinh tế. Theo Reuters, phong tỏa cấp độ 3 cũng đồng nghĩa phong tỏa nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, đóng cửa thêm 1,2 triệu doanh nghiệp và chỉ cho phép lao động trong những lĩnh vực thiết yếu đi làm.

Tại Anh, quyết định thắt chặt hơn nữa lệnh phong tỏa đã được chính quyền Thủ tướng Boris Johnson công bố, sau khi nước này ngày 24-12 ghi nhận thêm gần 40.000 ca nhiễm và 744 ca tử vong liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19. Đây đều là những mức tăng cao kỷ lục kể từ tháng 4. Trước đó, vào ngày 19-12, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được triển khai ở London, Đông Nam Anh và Xứ Wales vì biến thể mới của virus, được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 70% so với thể thông thường. Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, kể từ ngày 26-12, lệnh phong tỏa cấp độ 4 cao nhất sẽ được nới rộng ra nhiều khu vực ở phía Nam của Anh. Những khu vực còn lại trên khắp cả nước đang thực hiện lệnh phong tỏa cấp độ thấp hơn cũng sẽ đối mặt với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.


Nguồn: Báo tin tức 

Tin liên quan