Trường ĐH Hà Nội dự kiến đưa chứng chỉ VSTEP làm tiêu chí tuyển sinh năm 2023
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, trong năm học tới nhà trường sẽ đưa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP do đơn vị cấp phép làm tiêu chí tuyển sinh.
Liên quan đến chứng chỉ năng lực ngoại ngữ khung 6 bậc Việt Nam (VSTEP), nhiều trường đại học đang có kế hoạch đưa chứng chỉ này trở thành một trong những chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí để xét tuyển đại học.
Trường Đại học Hà Nội là một trong các đơn vị được cho phép tổ chức thi VSTEP, nhưng những năm vừa qua nhà trường không dùng chứng chỉ này làm tiêu chí để tuyển sinh đại học. Vậy đơn vị này đang có kế hoạch gì trong việc ưu tiên chứng chỉ VSTEP?
Trả lời câu hỏi trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội) đã có những chia sẻ, phân tích về vấn đề này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: HN)
Trường Đại học Hà Nội sẽ triển khai xét tuyển VSTEP vào năm học tới
Thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết, cách đây một, hai năm chỉ có khoảng gần chục đơn vị được tổ chức kì thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ khung 6 bậc Việt Nam hay còn gọi là VSTEP, nhưng đến nay đã có 25 đơn vị khác nhau tổ chức thi chứng chỉ này.
Với số lượng đơn vị tổ chức thi VSTEP tăng lên nhanh như vậy, đồng nghĩa số lượng sinh viên, thí sinh tiếp cận với chứng chỉ này tăng theo rất nhiều.
Thầy Dũng chia sẻ, hiện nay Trường Đại học Hà Nội đang sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí đầu ra của sinh viên, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, việc này đã được áp dụng trong nhiều năm qua.
Ví dụ với sinh viên các ngành chuyên ngữ là phải đạt bậc 5, chuyên ngành dạy học ngoại ngữ là bậc 4.
Đối với việc tuyển sinh của đơn vị, trong năm học tới, nhà trường sẽ đưa VSTEP vào làm tiêu chí xét tuyển đại học.
"Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Hà Nội đang dự kiến bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP vào trong tiêu chí xét tuyển đầu vào của nhà trường. Năm học tới, nhà trường sẽ triển khai kế hoạch trên", thầy Dũng nói.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cũng cho hay, hiện nay, nhà trường đang hoàn thiện quy chế tuyển sinh riêng của đơn vị, theo thông tư ban hành quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, Hội đồng tuyển sinh được thành lập và căn cứ theo văn bản hướng dẫn của Bộ, nhà trường sẽ truyền thông và nhiều khả năng sẽ công bố thêm tiêu chí về chứng chỉ VSTEP, như một trong các chứng chỉ được xét tuyển sinh đầu vào của nhà trường.
Như vậy, tính cả chứng chỉ trong nước và quốc tế, nhà trường dự kiến xét tuyển lên đến 22 chứng chỉ khác nhau.
"Bên cạnh việc xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như quy định những năm trước, nhà trường sẽ xem xét, bổ sung xét tuyển cả chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP. Thực tế, nhà trường hiện đang sử dụng đến 21 chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau, còn chứng chỉ VSTEP chỉ dành cho tiếng Anh", thầy Dũng chia sẻ.
Việc tổ chức thi VSTEP được phối hợp chặt chẽ
Để nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ VSTEP, thầy Dũng cho biết, trường cũng như các đơn vị khác sẽ phối hợp với Trung tâm khảo thí Quốc gia để tổ chức kì thi này. Theo đó, nhà trường là địa điểm tổ chức thi, cung cấp đội ngũ nhân sự coi thi và chấm thi.
Trung tâm khảo thí Quốc gia là đơn vị cung cấp và lưu trữ dữ liệu bài thi. Đồng thời, đơn vị này cũng cung cấp đáp án sau khi kết thúc kì thi.
"Trung tâm khảo thí Quốc gia còn làm công tác mã hóa bài thi, để khâu chấm thi của nhà trường hoàn toàn là ẩn danh", Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ
Thầy Nguyễn Tiến Dũng cũng cho hay, Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đó có sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021) nêu rất rõ về các yêu cầu, quy định khác nhau như việc tổ chức thi, bảo mật đề thi, điều kiện đối với đội ngũ coi, chấm thi, hoặc có vấn đề về an ninh cũng có cơ quan chức năng đồng hành với hội đồng thi để xử lý những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền xử lý của Hội đồng thi.
Đối với việc quy đổi điểm thi từ chứng chỉ ngoại ngữ, thầy Dũng cho biết, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy đổi điểm mới. Việc quy đổi điểm là do các trường đang tự thực hiện, Bộ không có hướng dẫn.
Ví dụ cùng là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS, Trường Đại học Hà Nội lấy yêu cầu hồ sơ rất cao với số điểm là 6,5 tương đương cuối B2, thực tế thí sinh thường đạt 7,5-8 tương đương C1. Trong khi đó, với các trường khác có thể xét tuyển mức 5-5,5 điểm. Tùy vào nhu cầu của từng trường sẽ lấy điểm đầu vào khởi điểm khác nhau nên có hệ quy chiếu khác nhau.
Về ưu điểm của việc ưu tiên VSTEP, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nhận định, nếu sinh viên chỉ cần chứng chỉ đáp ứng yêu cầu về đầu vào và đầu ra, thì VSTEP sẽ giúp họ tiết kiệm rất nhiều về kinh phí.
Còn đối với sinh viên có nhu cầu kết hợp với đi xin việc, du học thì chứng chỉ quốc tế mới đáp ứng được những mục tiêu đó, đồng nghĩa chi phí thi đắt gấp khoảng 3 lần VSTEP (phí thi VSTEP khoảng 1,8 triệu đồng/thí sinh).
Việt Nam cần tổ chức cấp nhiều chứng chỉ ngoại ngữ ở nhiều thứ tiếng
Về định hướng phát triển chứng chỉ ngoại ngữ do Việt Nam tổ chức, thầy Dũng cũng thẳng thắn cho biết, ông mong muốn nhiều trường đại học đưa thêm tiêu chí về xét tuyển năng lực tiếng Anh bằng VSTEP, để mở rộng thêm cơ hội cho thí sinh là học sinh các trường phổ thông trung học, đồng thời nâng cao được vị thế chứng chỉ ngoại ngữ của nước nhà.
Bên cạnh đó, chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam cũng có thể cạnh tranh công bằng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.
Ngoài ra, chúng ta cần tổ chức nhiều kì thi chứng chỉ ngoại ngữ với nhiều thứ tiếng khác.
"Hiện nay, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP mới chỉ dừng ở tiếng Anh, tôi mong muốn thời gian tới chúng ta sẽ có thêm chứng chỉ ngoại ngữ là các thứ tiếng khác, để thí sinh không phải phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế khi thi tiếng Trung, Hàn....mà Việt Nam cũng sẽ có thể làm được như VSTEP dành cho tiếng Anh, sẽ rất tốt và cho thấy vị thế năng lực khảo thí của Việt Nam sẽ được nâng cao", thầy Dũng nói.
Đối với việc đánh giá năng lực của thí sinh giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với VSTEP, thầy Dũng nhận định, thực tế, những người thiết kế đề thi cũng đã đặt tất cả tiêu chí lên cùng mặt bằng chung, để đảm báo tính quy chiếu ngoại ngữ phải đảm bảo đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, hoặc tham chiếu theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cũng đã có sự tham chiếu khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, chỉ khác là việc đánh số thứ tự của ta là từ 1 đến 6, còn họ gọi theo chữ cái từ A đến C.
Nguồn: giaoduc.net.vn