Tuyển nữ Việt Nam hạ Thái Lan bên tiếng còi thiếu quyết đoán của trọng tài người Nhật Bản

Đội tuyển nữ Việt Nam mừng chiến thắng tại trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30

Trận chung kết môn bóng đá nữ SEA Games 30 giữa tuyển nữ Việt Nam và tuyển nữ Thái Lan diễn ra đúng nghĩa với cuộc đối đầu "siêu kinh điển" của bóng đá nữ Đông Nam Á.

Nếu như trọng tài quyết đoán hơn...

Các cầu thủ nữ Việt Nam đã nhập cuộc tốt hơn. Cú ra chân cực nhanh của Nguyễn Thị Vạn khiến bóng đập xà ngang khung thành Thái Lan, sau đường chuyền của Tuyết Dung ở ngay phút thứ 6 của trận đấu là cơ hội nguy hiểm đầu tiên của trận đấu. Ngay từ giây phút đó, Việt Nam đã cho Thái Lan thấy được đây không phải là một trận đấu dễ dàng.

Một tình huống không may mắn nữa là trọng tài Asaka đã bỏ qua quả phạt đền mười mươi ở phút 67, khi thủ thành Thái Lan lao ra phạm lỗi với Hải Yến.

Trọng tài người Nhật Bản còn có thêm 1 tình huống gây tranh cãi khi Huỳnh Như thoát xuống sau 1 pha bứt tốc ở phút 76. Thủ quân tuyển nữ Việt Nam đã chạy thoát được qua hàng thủ Thái Lan và chuẩn bị đối mặt với thủ môn nhưng bị trung vệ Thái Lan phạm lỗi. Tuy rằng trọng tài chỉ rút thẻ vàng nhưng nếu mạnh tay hơn nữa, một chiếc thẻ đỏ thực sự là xứng đáng với pha phạm lỗi cản cơ hội ghi bàn.

Hai tình huống diễn ra trong 10 phút, trọng tài chính điều khiển trận chung kết SEA Games 30 đều có những quyết định có thể nói là bất công với tuyển nữ Việt Nam. Nếu trọng tài người Nhật mạnh tay hơn, Việt Nam đã có một quả phạt đền, còn Thái Lan bị mất người, thế trận sẽ khác và các cầu thủ nữ của chúng ta không phải trầy trật trải qua 30 phút hiệp phụ đầy khó khăn sau đó.

Hình ảnh quả cảm của Chương Thị Kiều trong trận chung kết với Thái Lan. (Nguồn: Dân trí)

Chiến thắng quả cảm và xứng đáng

Trước một Thái Lan vượt trội về thể hình và thể lực, tuyển nữ Việt Nam vẫn chơi cực hay và đầy quả cảm. Hình ảnh minh chứng cho tinh thần quyết chiến của các cô gái Việt Nam là trung vệ Chương Thị Kiều với phần đùi bị xước da một mảng to, máu chảy nhiều nhưng chỉ bị phát hiện sau 1 pha đá xấu của cầu thủ Thái Lan.

Kiều bị rách đùi, phải băng bó 2 lần. Nhưng, với cái chân trái băng bó từ đầu gối lên tận đùi, di chuyển tập tễnh, Kiều vẫn bình tĩnh hóa giải mọi đường tấn công của tuyển nữ Thái Lan. Thủ thành Kim Thanh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bị lật cổ chân, nhưng cô không bỏ cuộc, mà cắn răng nén đau để giữ sạch lưới trước các đợt tấn công của tuyển Thái.

Cô luôn nhăn mặt vì bị đau mỗi khi lao ra bắt bóng và phát bóng mạnh lên trên. Sẽ không quá khi nói rằng cô xuất khắc không kém thủ môn Văn Toản của U22 VN trong trận đấu với U22 Campuchia.

Những lần nằm sân do chuột rút và kiệt sức, hay các pha va chạm liên tục trong suốt 120 phút trước một tuyển Thái Lan chơi rắn và đôi lúc thô bạo, đã khắc họa đầy đủ về hình ảnh các cô gái vàng Việt Nam kiên cường và bản lĩnh, trong hoàn cảnh bị trọng tài có những quyết định thiếu công tâm.

Tuyển nữ Việt Nam đã xuất sắc đánh bại đại kình địch Thái Lan 1-0 để bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games, qua đó lần thứ 6 giành HCV SEA Games, nhiều hơn 1 lần so với người Thái. Một tấm huy chương vàng đầy tự hào của các cô gái vàng Việt Nam.

Hy vọng trong tương lai, bóng đá nữ sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn. (Nguồn: Độc lập)

Mong giảm thiểu bất công cho bóng đá nữ

Khi người hâm mộ hân hoan tột độ vì U22 Việt Nam thắng đậm U22 Campuchia với tỷ số 4-0 để ghi tên mình vào trận chung kết sau 10 năm chờ đợi ở môn bóng đá nam SEA Games thì tuyển nữ Việt Nam cũng bất bại tiến thẳng đến trận chung kết với Thái Lan vào tối 8/12.

Cũng là bóng đá, nhưng khán đài của bóng đá nam luôn đầy ắp CĐV, còn bóng đá nữ thì ngược lại. Có lẽ ai cũng cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến một trận đấu của tuyển nữ Việt Nam mà chỉ có vỏn vẹn 1 CĐV lặng yên ngồi xem.

Kém hấp dẫn ư? Hãy xem các cô gái vàng của chúng ta thi đấu. Cực kỳ bài bản, các pha ban bật ngắn rất nhuyễn, khiến đối phương phải bở hơi tai. Kỹ thuật cá nhân ư? Chúng ta thần tượng Quang Hải, Công Phượng... Nhưng hãy nhìn Huỳnh Như, Tuyết Dung 'múa' trên sân sẽ thấy độ phê không kém. Nhỏ bé như Dương Thị Vân, vẫn có thể đánh đầu xé lưới tuyển nữ Thái Lan. Có ai biết, Tuyết Dung từng làm xao xuyến cổ động viên với những siêu phẩm phạt góc bằng cả hai chân đưa bóng cuộn thẳng vào khung thành!

"Chỉ cần có nhiều khán giả cổ vũ, chúng em không cần tiền, không cần báo chí tung hô, mà chỉ chỉ cần khi thi đấu có thật nhiều khán giả cổ vũ. Bọn em mơ ước được thi đấu tại SVĐ kín chỗ mà khó quá", một cầu thủ chia sẻ.

Còn thầy Mai Đức Chung thì thành thực: "Chúng tôi là đội nữ, đã quen với cảnh không có nhiều khán giả rồi. Tuy nhiên, dù ít CĐV thì chúng tôi vẫn cố gắng thi đấu. Nhưng nếu có nhiều khán giả thì các em thi đấu hưng phấn hơn".

Thiết nghĩ, VFF và những người làm bóng đá Việt Nam cần có những hành động thiết thực hơn để hỗ trợ các cầu thủ nữ về mặt, tài chính, thu nhập, tạo điều kiện bảo đảm công ăn việc làm cho cầu thủ sau khi giải nghệ, tìm ra cơ chế nào đó để chị em đỡ thiệt thòi. Cũng mong các 'đại gia', những mạnh thường quân cần quan tâm hơn nữa đến bóng đá nữ, theo gương ông Phạm Thanh Hùng - Trưởng ban bóng đá nữ của VFF, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh.


Nguồn: Báo TG&VN

Tin liên quan