Ukraine muốn tổ chức hội nghị hòa bình, nêu điều kiện đặc biệt

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm 26-12 cho biết quốc gia của ông mong muốn có một hội nghị thượng đỉnh để chấm dứt xung đột, nhưng ông không chắc về việc Nga sẽ tham gia.

Trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Dmytro Kuleba cũng đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres làm trung gian hòa giải cho hội nghị thường định hòa bình này, dự kiến diễn ra trong vòng 2 tháng nữa tại LHQ.

"Ông ấy là một nhà hòa giải và đàm phán hiệu quả và quan trọng nhất là một người có nguyên tắc và chính trực" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine ca ngợi ông Guterres.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: AP

Ông Kuleba bác bỏ những lời kêu gọi đàm phán gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng những gì Moscow thể hiện trên tiền tuyến chứng tỏ họ không muốn đối thoại.

Theo ông Kuleba, Ukraine sẽ làm mọi việc trong khả năng để giành chiến thắng trong năm 2023. "Mọi xung đột đều kết thúc bằng ngoại giao. Mọi xung đột đều kết thúc dựa trên kết quả quân sự và kết quả trên bàn đàm phán" - ông nói.

Phía LHQ phản ứng khá thận trọng trước tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine. Phó phát ngôn viên LHQ Florencia Soto Nino-Martinez cùng ngày 26-12 cho biết: “Như tổng thư ký đã nói nhiều lần trước đây, ông ấy chỉ có thể hòa giải nếu tất cả các bên muốn ông ấy làm trung gian".

Cũng trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Kuleba cho rằng mình "hoàn toàn hài lòng" với kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước, đồng thời tiết lộ chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch đặc biệt để đưa tổ hợp tên lửa Patriot sẵn sàng hoạt động tại Ukraine trong khoảng thời gian chưa đến 6 tháng. Thông thường quá trình này đòi hỏi khoảng 1 năm.

Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn pháo binh hạng nặng số 43 bắn một viên đạn từ pháo tự hành 2S7 Pion giữa cuộc pháo kích dữ dội ở Bakhmut, tỉnh Donetsk - Ukraine hôm 26-12 - Ảnh: REUTERS

Bình luận về đề xuất mới nhất của ông Kuleba, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng tin RIA Novosti rằng Nga "không bao giờ nghe theo các điều kiện do các bên khác đặt ra".

Theo RT, phía Nga vẫn nhấn mạnh quan điểm rằng Kiev phải "công nhận thực tế, trên thực địa" về tình hình ở một số nơi, bao gồm công nhận Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là của Nga, thì đàm phán mới có thể xảy ra.

Nguồn: nld.com.vn

Tin liên quan