Vì sao Nga đáp trả Mỹ nhưng không khép 'Bầu trời Mở'?

Hoa Kỳ chính thức rời khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vào ngày 22 tháng 11, thủ tục kích hoạt việc rút khỏi hiệp ước được thực hiện và có hiệu lực sau 6 tháng, kể từ thời điểm Mỹ thông báo cho các thành viên khác về ý định rút khỏi thỏa thuận này.

Nguyên nhân Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Lý do Mỹ rút khỏi hiệp ước là những cáo buộc Nga vi phạm điều khoản của Hiệp ước này, cụ thể là Washington không hài lòng với việc Moscow không cho phép thực hiện các chuyến bay giám sát trên hành lang dài 10 km dọc biên giới với Abkhazia và Nam Ossetia.

Đáp trả cáo buộc này, Điện Kremlin nhắc nhở rằng, Nga đã công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Osetia và theo các điều khoản của hiệp ước, các chuyến bay giám sát có thể được thực hiện trên không phận không quá 10 km tính từ biên giới của một quốc gia không phải là thành viên của hiệp ước.

Ngoài ra, nhờ kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia có thể thu được hình ảnh của các khu vực này mà không cần bay vào hành lang này.

Mỹ cũng không hài lòng với việc Nga hạn chế phạm vi bay trên khu vực Kaliningrad ở mức 500 km. Thế nhưng Moscow lưu ý rằng, một chế độ như vậy hoàn toàn giống với chế độ mà Hoa Kỳ đã thiết lập cho Alaska nên Washington không có lí do gì để trách Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lưu ý rằng, trên thực tế, ngay cả với những hạn chế như vậy, các đối tác phương Tây từ bên ngoài biên giới Kaliningrad cũng có thể bao phủ 90% diện tích khu vực này, bởi vì vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga quá nhỏ bé.

Có cả những cáo buộc khác, chẳng hạn, như các chuyến bay trên bầu trời Crimea, mà phương Tây không coi bán đảo này là lãnh thổ của Nga.

Mỹ cũng cáo buộc Moscow đang sử dụng những hình ảnh được chụp trong các chuyến bay giám sát để chọn mục tiêu, hơn nữa dường như trong các chuyến bay trên bầu trời Mỹ, Nga đã theo dõi vị trí của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump!!!

Máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm A-50 Mainstay của Nga

Ông Biden cũng không thể cứu vãn Hiệp ước?

Theo các chuyên gia, ứng cử viên tổng thống Joe Biden, mà xét theo quá trình kiểm phiếu người này nhiều khả năng sẽ trở thành tân Tổng thổng thống Mỹ, cũng sẽ không quay lại bàn đàm phán về Hiệp ước Bầu trời mở. Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử sẽ diễn ra vào ngày 20/1 của năm tiếp theo, tức là sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước và nếu ai đó muốn quay trở lại thỏa thuận này thì cần phải bắt đầu toàn bộ quá trình đàm phán từ đầu.

Để quay lại Hiệp ước, Mỹ phải yêu cầu Thượng viện phê chuẩn một lần nữa, mà Thượng viện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, vì thế việc Hoa Kỳ quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở là cực kỳ khó xảy ra.

Thứ hai: Thực tế trong mấy thập kỷ gần đây, Mỹ không bao giờ quay trở lại, sau khi rời khỏi các cơ chế như vậy.

Nói chung, thực tiễn đã cho thấy rõ rằng, nếu Mỹ rút khỏi một hiệp ước nào đó về kiểm soát vũ khí thì họ không bao giờ quay trở lại - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Châu Âu và Quốc tế thuộc Học viện Kinh tế Cao đẳng Nga là ông Dmitry Suslov, cho biết.

Trong khi đó, Hiệp ước Bầu trời mở vẫn tiếp tục hoạt động. Sau thời gian gián đoạn do đại dịch coronavirus, các quốc gia đang nối lại các chuyến bay.

Kể từ tháng 7, Nga đã thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của Đan Mạch, Pháp, Cộng hòa Séc, Hungary, Phần Lan, Đức, đặc biệt là Berlin đã cho phép Nga bay qua căn cứ Ramstein, căn cứ lớn nhất của Mỹ ở châu Âu. Về phần mình, Pháp, Đức và Romania đã thực hiện các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ Nga.

Nga vẫn có lợi nếu duy trì hiệp ước?

Ông Andrei Baklitsky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Euro-Đại Tây Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại MGIMO, nhận xét rằng, bất chấp những rủi ro và bất ổn do việc Mỹ rời khỏi Hiệp ước, Moscow vẫn có lợi hơn nếu duy trì thỏa thuận này.

Thứ nhất, các căn cứ quân sự trên lãnh thổ châu Âu gần biên giới của Liên bang Nga là một nguyên nhân gây sự lo ngại lớn. Thứ hai, hiệp ước này cho phép giải quyết một số vấn đề an ninh của châu Âu qua đường liên lạc với các nước thành viên NATO, trong khi đối thoại và hợp tác với liên minh này đã giảm mạnh gần như bằng không, ông Baklitsky giải thích.


Nguồn: Báo Đất Việt

Tin liên quan