Vì sao thí sinh vẫn chần chừ chưa đăng ký nguyện vọng khi 'hạn chót' đang đến gần?

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã nhắc nhở và các chuyên gia khuyên thí sinh nên đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022 sớm để tránh gặp rủi ro, nhưng đa phần thí sinh chưa đăng ký, vì sao?

Nguyễn Đức Quang (ở Yên Bái) cho biết, em không đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nên mọi nguyện vọng của em đều đổ dồn vào phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT.

"Em vẫn đắn đo chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bởi ngành nghề, trường học mà em mong muốn, với quỹ điểm hiện tại chỉ ngang bằng điểm chuẩn năm 2021. Em dự định trong ngày hôm nay mới bắt đầu thực hiện đăng ký".

Thí sinh nghe tư vấn xét tuyển đại học năm 2022 tại Hà Nội.

"Một phần là em muốn có thời gian để tham khảo thêm và phân tích khả năng trúng tuyển của các trường. Nhưng phần khác là do mấy ngày trước em đã mất nhiều thời gian để thực hiện đăng ký nhưng hệ thống liên tục báo lỗi, dù thao tác đăng ký không quá khó đối với em", Nguyễn Châu An - thí sinh dự định đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y tế công cộng năm nay cho biết.

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), tính đến 17 giờ, ngày 17/8, cả nước có trên 940.800 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022; trong đó, 577.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng. Tổng số lượng nguyện vọng là trên 2,7 triệu. Trung bình mỗi thí sinh có 4,7 nguyện vọng.

Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ còn đúng 2 ngày nữa là hết thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn còn hơn 30% thí sinh chưa đăng ký khi "hạn chót" đang đến rất gần.

Để tránh tình trạng này, nhiều chuyên gia khuyến cáo thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng (20/8) mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo các chuyên gia, thận trọng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học là cần thiết nhưng không vì thế mà thí sinh tự đẩy mình vào thế khó khi vào những ngày cuối rất dễ xảy ra sai sót, khó kiểm soát, khó điều chỉnh. Với những thí sinh đã xác định rõ nguyện vọng, ngành nghề yêu thích cũng không nên thay đổi vào những ngày cuối.

Tư vấn cho thí sinh để hạn chế những rủi ro không đáng có, PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khuyên, ở giai đoạn "nước rút", các em cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển càng sớm càng tốt, đề phòng hệ thống bị nghẽn, tránh những sơ sẩy không đáng có.

Theo quy định, sau khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh vẫn được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần đến trước 17 giờ ngày 20/8. PGS.TS Trần Quang Tiến lưu ý, ngoài việc chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, thí sinh cần nghiên cứu kỹ từ tổ hợp xét tuyển cho đến mã ngành, mã trường để việc đăng ký được chính xác, không có sai sót. "Mỗi phương thức xét tuyển có tỷ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình thích nhất bằng phương thức xét tuyển sớm thì nên đăng ký ngành đó là nguyện vọng 1".

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Tin liên quan