Tờ Guardian dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra lời cảnh báo về 'núi' nợ tại các thị trường EMDE.
Theo báo cáo của WB, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) trong năm ngoái đã tăng các khoản vay nợ của họ lên mức kỷ lục 55.000 tỉ USD.
Đây được cho là hệ quả từ làn sóng đi vay ồ ạt chưa từng thấy trong lịch sử thế giới hiện đại, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ.
Con số tổng nêu trên bao gồm tất cả các loại nợ: Nợ cá nhân, nợ doanh nghiệp và nợ công, phản ánh áp lực lên tất cả các thành phần của nền kinh tế. Chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng và quỹ đầu tư quốc tế.
Nhìn lại từ các cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980, 1990 và 2008, các chuyên gia của WB nhận thấy rằng “núi” nợ hiện nay liên quan tới cả khu vực nhà nước và tư nhân, không giới hạn ở một hoặc hai lĩnh vực cụ thể và phát sinh các đối tượng chủ nợ mới, thường có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo WB, Trung Quốc là động lực chính dẫn tới tình trạng tăng trưởng mức nợ này. Bản thân Trung Quốc, với tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng 72% lên 255% so với năm 2010, chiếm phần lớn của toàn cầu. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của khối các nước đang phát triển thì mức nợ danh nghĩa cũng tăng tới gấp đôi, WB cho biết.
Tổ chức cũng khuyến cáo tại hầu hết các nước trong số 100 quốc gia thuộc phạm vi phân tích, đánh giá của họ có tình trạng các tổ chức công cũng như tư đang ngày càng lệ thuộc hơn vào những khoản vay.
Các phân tích trong báo cáo nghiên cứu có tên Các làn sóng vay nợ toàn cầu đánh giá về 4 giai đoạn tích tụ nợ nần đáng kể từ năm 1970. Báo cáo nhận thấy tỉ lệ vay nợ so với GDP của các nước đang phát triển đã tăng từ 54% lên 168% kể từ khi nợ bắt đầu dồn lại năm 2010.
Tổng nợ vay bao gồm mọi dạng thức nợ, gồm nợ tiêu dùng, nợ doanh nghiệp và nợ chính phủ. Điều này cho thấy áp lực phải trả nợ, chủ yếu cho các ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế, đã và đang dồn lên mọi thành phần của nền kinh tế.
Nợ công Việt Nam: Lời ngọt bất ngờ từ World Bank
Trung bình, tỉ lệ vay nợ so với GDP của 100 quốc gia trong phạm vi nghiên cứu của WB đã tăng khoảng 7% mỗi năm, mức tăng nhanh gần gấp 3 lần so với những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng nợ của châu Mỹ Latin vào thập niên 1980.
Bà Ceyla Pazarbasioglu - Phó Chủ tịch Nhóm WB phụ trách Tăng trưởng, Tài chính và Thể chế nhận định rằng, các khoản nợ lớn thường diễn ra cùng với khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển, gây tổn thất lớn cho người dân.
"Các nhà hoạch định chính sách nên sớm hành động để tăng cường tính bền vững của các khoản vay và giảm nguy cơ xảy ra các cú sốc kinh tế", bà Ceyla Pazarbasioglu cảnh báo.