Còn hơn 2 tháng nữa mới tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, song em Trần Quốc Thái, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Trưng Vương (Quận 1) gần như dành phần lớn thời gian cho việc ôn tập bởi em sẽ dùng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa.
Trước đó, Quốc Thái cũng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG TP.HCM để chắc chắn có cơ hội theo học ngành Y như mong muốn. Ngoài việc lựa chọn ngành học phù hợp thì chất lượng đào tạo và học phí cũng là điều mà Quốc Thái đang cân nhắc.
“Em định hướng học Y nhưng sức học không đọ được với các bạn trường chuyên và trường năng khiếu nên em chọn một trường có đầu vào vừa sức với khả năng của em là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Em cũng cân nhắc về đầu ra sau khi tốt nghiệp, học phí phải vừa sức với kinh tế của gia đình. Đồng thời, chất lượng giáo dục ở đó có tốt hay không?”, em Quốc Thái nói.
Có thể thấy, sự đa dạng các phương thức tuyển sinh hiện nay đặt ra yêu cầu thí sinh phải đánh giá đúng năng lực, sở thích của bản thân trước khi chọn trường và ngành học. Theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), hầu hết các trường đại học có xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Thí sinh nên tìm hiểu tất cả các trường đang đào tạo ngành mà bản thân quan tâm để đánh giá về chất lượng đào tạo, môi trường học tập, học phí… Từ đó, các em sẽ có sự so sánh, cân nhắc trước khi đưa ra lựa chọn; tránh trường hợp chán nản do ngành học không phù hợp với năng lực, sở trường hay phải bỏ học chỉ vì không trả nổi học phí.
“Chi phí đào tạo cho sinh viên hiện nay trung bình từ 18-20 triệu đồng/năm nhưng học phí tại các trường công lập chỉ từ 11-12 triệu đồng/năm. Các trường tự chủ tài chính thì khoảng 19-20 triệu đồng/năm,có trường 90 triệu/năm. Trường dân lập từ 30-60 triệu/năm. Các chương trình liên kết quốc tế có thể lên tới 80-600 triệu/năm. Cho nên thí sinh cần cân đối tài chính của gia đình để đăng ký trường cho phù hợp. Nếu không đó sẽ là gánh nặng của gia đình trong 4 năm”, Thạc sĩ Phùng Quán cho hay.
Thường xuyên trực tiếp tư vấn, giải đáp thắc mắc về tuyển sinh đại học, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) nhận định, học sinh hiện nay có khuynh hướng chọn những ngành học có cơ hội việc làm và mức thu nhập cao. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang tác động tới mọi mặt xã hội, trong đó có cả các ngành học từng nằm trong “top” được thí sinh quan tâm như: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hàn,... Vì vậy, rất khó để định hướng những ngành học đang được đánh giá cao ở giai đoạn hiện tại liệu có phù hợp với nhu cầu thực tế cho 4-5 năm tới.
Thay vì quá lo lắng trước việc lựa chọn ngành học ban đầu để chắc chắn có cơ hội việc làm, thầy Phú đưa ra lời khuyên, học sinh cần bình tĩnh, tập trung ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ kết quả này, các em có thể lựa chọn các hình thức đào tạo khác để giải quyết nhu cầu về việc làm và thu nhập.
“Đại học không phải là cánh cửa tuyệt đối, tùy theo năng lực, hoàn cảnh gia đình mà các em học sinh có những sự lựa chọn. Hiện có nhiều hệ đào tạo từ xa, đào tạo chuyên tu, đào tạo liên thông. Do đó, học sinh có thể chọn học các trường cao đẳng, trường nghề để có nghề nghiệp, công việc phục vụ cho việc mưu sinh trước tiên. Hiện nay, có nhiều nghề không chỉ ‘hot’ trong nước mà nước ngoài cũng rất cần và mức lương cũng rất cao như: y tế; công nhân lành nghề ở khu chế xuất, khu công nghệ cao,… Các em học sinh có thể nắm bắt những nhu cầu này để bắt kịp với bối cảnh hiện nay”, thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay.
Nhu cầu ngành học gắn với việc làm, thu nhập, khả năng phát triển bản thân… đang là mục tiêu được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, cha mẹ nên cùng con tìm hiểu và cân nhắc tất cả các yếu tố trước khi đặt bút đăng ký các nguyện vọng, tránh trường hợp thí sinh “ngồi nhầm trường, chọn nhầm ngành”, tốn kém thời gian và chi phí, gây lãng phí nguồn lực của xã hội./.