Xử lý nghiêm tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu, bia

Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia vẫn gia tăng, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn.

Đêm 2-6-2022, Nguyễn Đức Thịnh (trú tại TP Bắc Giang) lái xe ô tô với tốc độ cao gây tai nạn khiến 3 người tử vong. Tại thời điểm kiểm tra, Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở. Thịnh khai đã uống quá chén với bạn bè trong tiệc liên hoan, rồi đi hát karaoke, sau đó trên đường về thì gây ra vụ tai nạn. Hay vụ tai nạn tối 12-8, tại cây xăng trên đường Láng (TP Hà Nội) khiến nhiều người bàng hoàng và phẫn nộ. Lái xe Ngô Công Hán (trú tại huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) sau khi uống rượu, bia đã lao thẳng xe vào cây xăng, va chạm với nhiều xe máy (đang đổ xăng) làm 8 người bị thương.

Thâm nhập một số nhà hàng, quán bia hơi tại TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy những mối nguy hại từ bàn ăn ra đến đường phố. Mọi người uống rượu, bia “thả ga” mà không quan tâm đến việc còn phải lái xe về nhà. Khung giờ từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày là thời gian các quán hoạt động sôi nổi nhất. Quan sát bãi đỗ xe chật kín ô tô, xe máy, phần lớn những người đi nhậu tự lái xe đến và “thản nhiên” lái xe về sau khi đã uống nhiều rượu, bia.

Tổ công tác Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. Ảnh: HÀ KHÁNH

Trước thực trạng trên, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Giao thông đường bộ với xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Theo thông tin từ Cục CSGT, Bộ Công an, sau 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm (từ ngày 20-6 đến 20-9) lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 110.774 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (xe tải 624 trường hợp; xe con 6.641 trường hợp; xe khách 83 trường hợp; xe mô tô 103.122 trường hợp...); phạt tiền hơn 500 tỷ đồng; tạm giữ 110.774 phương tiện; tước giấy phép lái xe 69.358 trường hợp.

Tuy bị phạt tiền, tạm giữ phương tiện song nhiều người vẫn còn xem nhẹ. Không ít người vẫn thản nhiên uống rượu, bia rồi điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông. Nhiều người còn chống đối khi bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn; hay tìm mọi cách đối phó, như quay đầu xe bỏ chạy, không thổi vào máy đo nồng độ cồn... Nhiều nhà hàng còn tiếp tay cho các thượng khách, nếu thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, họ sẽ báo cho khách di chuyển theo hướng khác, tránh bị phạt. Để xử lý nghiêm tình trạng trên, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, cho biết: “Đơn vị đã tăng cường thêm thời gian và mật độ xử lý trên đường, tập trung vào công tác trinh sát, nắm rõ quy luật hoạt động để xử lý trúng và đúng các đối tượng. Trong quá trình xử lý, các tổ công tác đều có ghi hình để bảo đảm tính khách quan”.

Từ nay đến cuối năm 2022, công an các đơn vị, địa phương sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện xử lý chuyên đề nồng độ cồn. Căn cứ vào địa bàn thực tế, lực lượng CSGT sẽ tiến hành hóa trang, ghi hình, đón lõng tại các nhà hàng, quán bia, vũ trường trên địa bàn, kịp thời kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp lái xe vi phạm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Lực lượng CSGT sẽ trực tiếp đến những cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, karaoke... để vận động chủ các nhà hàng, quán ăn phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật Giao thông đường bộ; tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia.

Nguồn: qdnd.vn

Tin liên quan