5 lý do nên bỏ ý định chủ động nhiễm Omicron để 'xong chuyện'

Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo luồng quan điểm sai lệch đang tồn tại trên truyền thông mạng xã hội về việc chủ động nhiễm biến thể virus Omicron cho xong mọi chuyện, với luận điểm là biến thể này chỉ gây tình trạng bệnh nhẹ.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại London, Anh ngày 18/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến sĩ Robert Murphy, Giám đốc điều hành viện Havey về Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Y khoa Northwestern Feinberg (Mỹ), cho rằng Omicron là biến thể lây lan mạnh, có thể xâm nhập và tấn công mọi đối tượng, từ những người bài vaccine cho tới người tiêm hai mũi, người tiêm mũi tăng cường. "Thật là điên rồ nếu cố tìm cách để nhiễm Omicron. Điều đó chẳng khác nào việc đùa với súng”, chuyên gia này bình luận.

Dưới đây là 5 lý do không bao giờ nên chủ động để "được" nhiễm Omicron.

1. Không đơn giản như “cơn cảm lạnh”: Theo ông Murphy, sốt cao, đau mỏi toàn thân, sưng hạch, đau họng, đầy hơi… là những triệu chứng thường được ghi nhận ở người nhiễm Omicron dù chỉ là thể trung bình, nhẹ. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều ngày. “Mọi người cứ nói Omicron chỉ là cơn cảm lạnh. Đó không phải là cảm lạnh, đó là căn bệnh đe dọa tính mạng”, Tiến sĩ Murphy cảnh báo.

Một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố cho thấy nguy cơ nghiêm trọng từ nhiễm COVID-19 cao hơn ở nhóm đối tượng đã tiêm vaccine nhưng trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm người mắc các bệnh nền như tiểu đường, thận mãn tính, phổi, tim mạch, thần kinh.

Theo Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục về vaccine thuộc Bệnh viện Nhi Philadelphia và cũng là thành viên trong Ban Cố vấn về vaccine của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đúng là độc lực của Omicron yếu hơn so với Delta, nguy cơ nhập viện, phải điều trị buồng ICU, hay tử vong với người nhiễm Omicron là nhỏ hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa Omicron không gây ra tình trạng bệnh nặng, không ai có thể chắc rằng tỉ lệ tử vong sau nhiễm là 0% và vì thế đừng mang ý nghĩ chủ động để được nhiễm loại biến thể này.

2. Có thể mắc hội chứng COVID-19 kéo dài: Mất khứu giác, mất vị giác đã trở thành triệu chứng ngày một phổ biến ở người mắc COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 80% số bệnh nhân sẽ hồi phục được khứu giác và vị giác trong vòng một tháng. Nhưng số còn lại có thể rơi vào tình trạng mất mùi, mất vị sau hơn 6 tháng, thậm chí một số có thể không bao giờ lấy lại được hai giác quan này.

Một mối nguy khác là hội chứng COVID-19 kéo dài. Đó là tình trạng xảy ra ở người hồi phục sau khi mắc COVID-19, nhưng vẫn chịu những tác động dai dẳng như khó thở, mệt mỏi, sốt, chóng mặt, đánh chống ngực, đau cơ, đau bụng, mất ngủ… Một số dạng COVID kéo dài có thể gây tổn thương phổi, tim, thận và sức khỏe thần kinh.

Theo ông Offit, một virus tự nhiên luôn được gọi là mẫu virus hoang dại, bởi khả năng lây lan mất kiểm soát. Vì thế, đừng nên nhiễm bệnh từ một virus tự nhiên.

3. Có thể lây bệnh cho trẻ nhỏ: Tại Mỹ, tính đến thời điểm này mới có khoảng 54% trẻ em trong độ tuổi 12-17 hoàn thành tiêm chủng hai mũi. Cũng chỉ có khoảng 23% trẻ em từ 5-11 tuổi tiêm mũi vaccine thứ nhất. Về mũi tăng cường – mũi được xem là “chiến binh chủ chốt” chống lại Omicron, FDA mới chỉ cấp phép sử dụng đối với người từ 12 tuổi trở lên.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ hành vi bất cẩn nào về chủ động phơi nhiễm trước Omicron, như không đeo khẩu trang, không tuân thủ quy định giãn cách, tụ tập đông người trong không gian kín, sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh và làm lây sang trẻ nhỏ.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky ngày 7/1 cho biết, số trẻ em tại Mỹ phải nhập viện vì COVID-19 hiện đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân do tăng tỷ lệ mắc ở trẻ hay do tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm này còn thấp.

Dữ liệu của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cũng cho thấy xu hướng lây nhiễm gia tăng ở trẻ nhỏ, vượt qua mức đỉnh trong các làn sóng dịch bệnh từng tấn công nước Mỹ trước đây. Trong tuần kết thúc ngày 6/1, Mỹ ghi nhận 580.000 ca nhiễm ở trẻ em, tăng 78% so với một tuần trước đó.

4. Gây quá tải hệ thống y tế: Theo Tiến sĩ Murphy, với việc chủ động nhiễm bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2, người bệnh là một tác nhân khiến dịch bệnh tiếp diễn dai dẳng và gây căng thẳng cho hệ thống y tế.

Cuối tuần qua, khoảng 25% trong hơn 5.000 bệnh viện ở Mỹ có liên lạc với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết họ rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực y tế. Đó cũng là tỉ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát.

Thiếu hụt nhân viên y tế được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn nữa khi nhân viên tuyến đầu chống dịch hoặc là bị nhiễm COVID-19, hoặc phải cách ly sau khi phơi nhiễm với COVID-19. Tình trạng này xuất hiện ở thời điểm không thể tệ hơn: Các bệnh viện tại Mỹ tiếp nhận, điều trị cho khoảng 138.000 bệnh nhân COVID-19 tính đến ngày 9/1 – theo dữ liệu của HHS. Công suất sử dụng phòng ICU cũng lên đến 80%, với 30% là cho bệnh nhân COVID-19.

5. Không nên đùa giỡn với Mẹ Thiên Nhiên: Liệu có phải là một ý tưởng tốt khi nhiễm bệnh có chủ đích? Nhiều người Mỹ có thể vẫn còn nhớ cảnh cha mẹ mình tổ chức những “bữa tiệc thủy đậu”, một xu hướng khá phổ biến ở Mỹ trước năm 1995. Mục đích chính là để con mình phơi nhiệm trước chúng bạn nhiễm thủy đậu.

Động lực chính sau những “bữa tiệc thủy đậu” chính là lối suy nghĩ cho rằng thủy đậu khi nhiễm ở tuổi trưởng thành sẽ nguy hiểm hơn, nặng ở so với nhiễm lúc còn nhỏ và vì vậy nên nhiễm sớm để cho xong chuyện.

Tiến sĩ Offit cho rằng đó là ý tưởng tồi và cho rằng “đừng đùa với Mẹ Thiên nhiên".

Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/5-ly-do-nen-bo-y-dinh-chu-dong-nhiem-omicron-de-xong-chuyen-20220112093338475.htm

Tin liên quan