5 nguy cơ lớn đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2022
Hồi phục kinh tế toàn cầu đang gặp phải trở lực lớn từ xu hướng dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch chỉ là một trong số nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của nhà đầu tư trong năm 2022.
Đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu. Ảnh: DW
Kinh tế toàn cầu đã hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi xuống đáy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Những diễn biến dịch bệnh cùng với căng thẳng đứt gãy trong chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chiến dịch tiêm chủng chậm chạp ở một số nước trong 6 tháng cuối năm khiến Quỹ Tiền tệ (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giảm nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021.
Cả IMF và OECD đều giữ triển vọng tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022, nhưng cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 có thể làm chệch hướng phục hồi. Dịch bệnh vẫn là nguy cơ lớn với kinh tế thế giới, nhưng đó không phải là mối đe dọa duy nhất với giới đầu tư trong năm 2022.
Biến thể có khả năng kháng vaccine: Tháng 11 vừa qua, các thị trường tài chính toàn cầu lâm vào cơn hoảng loạn khi biến thể mới, sau đó được gọi tên chính thức là Omicron, xuất hiện lần đầu tiên tại Nam Phi. Biến thể siêu đột biến có mức độ lây lan nhanh này đã gây ra đổ vỡ trên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu.
Trong tuần tiếp theo, các thị trường toàn cầu vẫn chủ yếu đi ngang, khi nhà đầu tư cố tìm hiểu tác động kinh tế mà Omicron có thể gây ra. Chính phủ nhiều nước siết chặt quy định hạn chế nhằm ngăn chặn lây lan Omicron, đe dọa phục hồi kinh tế. Dữ liệu và bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron tuy có tốc độ lây lan mạnh hơn nhưng độc lực lại kém so với Delta. Các loại vaccine và phác đồ điều trị hiện hành vẫn có khả năng ngăn chặn, kiểm soát Omicron.
Có thể Omicron không phải là cú đánh mạnh đối với hồi phục kinh tế toàn cầu. Nhưng chưa thể nói trước được điều gì nếu một biến thể mới xuất hiện trong tương lai. Giới chuyên gia cảnh báo nếu đại dịch vẫn tiếp diễn dai dẳng, không loại trừ thế giới sẽ phải đối diện với biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng kháng vaccine, một viễn cảnh có thể sẽ đẩy nhiều nước quay trở lại với đóng cửa, phong tỏa.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath, nếu COVID-19 còn kéo dài trong trung hạn, mức tổn thất đối với GDP toàn cầu trong 5 năm tới có thể lên đến 5.300 tỉ USD. Ưu tiên chính sách hàng đầu chính là việc hoàn tất mục tiêu tiêm chủng 40% ở tất cả các nước trong năm nay và lên mức 70% ở thời điểm giữa năm 2022. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 5% dân số tại các nước thu nhập thấp tiêm đủ hai liều vaccine.
Căng thẳng về chuỗi cung: Đứt gãy chuỗi cung ứng là một nhân tố chủ chốt làm gián đoạn phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Giá cước vận tải biển tăng đột biến gắn với vấn nạn thiếu hụt vỏ container cùng với nhu cầu tiêu thụ phục hồi mạnh sau giai đoạn đóng cửa đã đẩy các nhà sản xuất chạy đua tìm kiếm nguyên liệu và các cấu thành sản phẩm để phục vụ sản xuất.
Ngành ô tô là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất, với sản xuất tại nhiều nước thuộc khu vực đồng tiên chung châu Âu (eurozone), đặc biệt là tại Đức, lâm vào đình đốn trong vài tháng gần đây. Các hãng chế tạo ô tô đã phải cắt giảm sản lượng, do cấu thành vật tư, thiết bị trung gian, nhất là chip điện tử, rơi vào tình cảnh thiếu hụt.
Có tín hiệu cho thấy chuỗi cung ứng đã bớt căng thẳng, giá cước vận tải biển giảm, sản lượng chip tăng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định bất ổn về chuối cùng vẫn sẽ là nhân tố phủ bóng đen đối với tăng trưởng trong năm 2022. Frank Sobotka, Giám đốc điều hành mảng vận tải và logistics tại công ty DSV Air & Sea (Đức) cho rằng bất chắc sẽ chưa thể giải quyết triệt để trong năm tới.
Bùng phát lạm phát: Thiếu hụt nguồn nhiên thô và nhiêu liệu đầu vào cho sản xuất, cùng với giá năng lượng tăng cao đã đẩy lạm phát tại Mỹ và các nước thuộc eurozone lên mức cao kỉ lục trong nhiều năm. Điều này khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ buộc phải đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ quan điểm lạm phát tăng là do một số nhân tố nhất thời như thiếu hụt nguồn cung, căng thẳng trên thị trường năng lượng. ECB kỳ vọng làm phát sẽ dịu đi một khi tình trạng mất cân bằng cung-cầu toàn cầu được xử lý. Tuy nhiên, với việc đứt gãy chuỗi cung có thể kéo dài hơn so với các dự đoán trước đó, lạm phát sẽ tiếp tục là điểm nóng trong năm 2022, đẩy các ngân hàng trung ương ở châu Âu vào tình cảnh khó xử.
Tại Mỹ, lo ngại về lạm phát đã buộc Cục Dữ trữ Liên bang (FED) đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm các gói mua sắm trái phiếu, đồng thời phát tín hiệu về ba lần tăng lãi suất trong năm 2022. Bước đi này của FED có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với một số nền kinh tế đang nổi, trong đó có Nam Phi, Argentina và Thỗ Nhĩ Kỳ.
Ẩn số từ Trung Quốc: Đà giảm tốc tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đương nhiên sẽ khiến giới đầu tư lo ngại cho năm 2022. Trung tâm sản xuất này từng đóng vai trò lớn trong việc đưa thế giới vượt khỏi suy thoái do đại dịch trong năm 2020, dựa trên nhu cầu toàn cầu về các mặt hàng điện tử và y tế nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nước duy nhất trong số các nền kinh tế lớn của thể giới tăng trưởng dương trong năm 2020 và dự kiến GDP đạt mức tăng khoảng 8% trong năm 2021.
Tuy nhiên, phục hồi hậu đại dịch có xu thế chững lại khi chính quyền Bắc Kinh mạnh tay chỉnh đốn các tập đoàn, công ty công nghệ lớn như Alibaba hay Tencent, cũng như các tập đoàn bất động sản mắc nợ cao như Evergrande và Kaisa, ngành giáo dục tư nhân. Giới chức hàng đầu Trung Quốc sau đó lên tiếng trấn an dư luận, với tuyên bố ổn định kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu cho năm tới, đưa đến kỳ vọng về các gói kích thích tài khóa lớn sẽ được đưa ra trong năm 2022.
Việc nhất quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid (không Covid) khiến Trung Quốc rơi vào tình cảnh cô lập với bên ngoài hơn một năm nay. Các biện pháp mạnh tay được Trung Quốc triển khai mỗi khi xuất hiện ổ dịch mới cũng là nguy cơ lớn với kinh tế toàn cầu, bởi nó gắn với sản xuất, chuỗi cung.
Căng thẳng địa chính trị: Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu là điểm đáng quan ngại. Mỹ từng cảnh báo về đòn trừng phạt kinh tế “chưa từng có” mà Nga sẽ phải gánh chịu nêu ra tay can thiệp quân sự tại Ukraine sau khi Moskva có động thái tăng cường lực lượng áp sát biên giới. Một lựa chọn khác mà Mỹ và đồng minh hướng tới chính là “đóng băng” tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2.
“Căng thẳng Mỹ-Nga là nguy cơ lớn. Nếu Mỹ và châu Âu dừng tuyến đường ống Nord Stream 2, thế giới có thể sẽ lâm vào khủng hoảng năng lượng, đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng. Giá năng lượng tăng vọt có thể sẽ lực đẩy buộc các ngân hàng trung ương đẩy nhanh siết chặt chính sách tiền tệ”, Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại tập đoàn thương mại OANDA, bình luận.
Nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/5-nguy-co-lon-doi-voi-kinh-te-toan-cau-trong-nam-2022-20211229192115284.htm