5 nguyên nhân khiến thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó

Thị trường bất động sản TP.HCM chưa có dấu hiệu khởi sắc - Ảnh: Phan Diệu

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Trong đó, hàng trăm dự án đang ách tắc thủ tục.

Chủ tịch HoREA nhìn nhận, thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường. Trong đó, 5 nguyên nhân khiến thị trường bất động sản sụt giảm đều do những hạn chế, vướng mắc về thể chế pháp luật.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy) chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thứ hai, phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu luật khung, luật ống dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật.

Thứ ba, khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật của các Bộ, ngành và các địa phương. Thứ tư, quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập. Thứ năm, trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.

“5 nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản đều có chung điểm xuất phát là từ những hạn chế, vướng mắc về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Do thị trường bất động sản có độ trễ nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy cơ phá sản”, ông Châu nói.

Đáng chú ý, trước tình trạng thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, ngày 11.2, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến các sở ban ngành của thành phố về việc tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiếp tục nghiên cứu quan điểm pháp lý của các Bộ, ngành, các quy định pháp luật và từ thực tiễn thi hành pháp luật của thành phố.

Từ đó, tham mưu cho UBND TP.HCM để báo cáo phản biện với các bộ, ngành về những vấn đề, nội dung chưa hợp lý và góp ý, kiến nghị những vấn đề, nội dung trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM báo cáo tình hình với số liệu cụ thể, đầy đủ về việc thự hiện quy định "đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở" tại khoản 2, điều 26 Luật nhà ở và các quy định cụ thể khác có liên quan.

Cạnh đó, báo cáo việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "bán hoặc cho thuê nhà ở thương mại hình thành trong thương lai mà chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính theo quy định" và các quy định cụ thể khác có liên quan.


Nguồn: Báo Một Thế Giới

Tin liên quan