Bầu Đức đưa ra phương án giảm lương cầu thủ

FIFA vừa có cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội Cầu thủ thế giới (FIFPro) đưa ra những giải pháp ứng phó với tình hình ngưng trệ của làng bóng vì dịch COVID-19. Một trong những biện pháp đối phó để phòng ngừa nguy cơ phá sản của các CLB khi bóng không lăn là giảm lương các thành viên của đội bóng.

Thực chất FIFA cũng mới chỉ kêu gọi các cầu thủ tự nguyện giảm lương như rất nhiều CLB trên thế giới đã làm khi tất cả đều không có nguồn thu do bóng ngừng lăn ở thời điểm dịch bệnh. Nó như một nghĩa cử đẹp nhằm chia sẻ khó khăn của cầu thủ với CLB chủ quản để không gặp phải cơn khủng hoảng tài chính trong trường hợp bất khả kháng.

Làng bóng thế giới đình trệ vì dịch bệnh COVID-19 và bóng đá Việt Nam không ngoại lệ cùng với gánh nặng trả lương cho các thành viên CLB. Cá nhân bầu Đức nói về việc chia sẻ tổn thất với CLB rất nhẹ nhàng, bằng cách thương lượng với các cầu thủ giảm khoảng 50% lương tháng của mình.

Ông bầu phố núi đưa ra một bài toán ví dụ đơn giản, mỗi CLB trong một mùa bóng sẽ tiêu tốn khoảng 40 tỉ đồng nhưng hầu hết chỉ thu về khoảng 20 tỉ đồng. Phần hao hụt một nửa tổng chi chủ yếu rơi vào tiền lương, thưởng cho cầu thủ và nếu họ chấp nhận phương án giảm 50% thu nhập sẽ không quá ảnh hưởng đến giải pháp tài chính của CLB.

Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu thủ nên chấp nhận giảm lương để chia sẻ và giúp CLB tránh khỏi một cuộc khủng hoảng. Ảnh: NGỌC DUNG

Liên quan đến lời kêu gọi của FIFA về việc giảm gánh nặng tài chính cho các liên đoàn thành viên, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuang cho biết sẽ tính toán cắt giảm nhân sự và tiền lương của FAT trong cơn đại dịch COVID-19 có nguy cơ khiến họ lâm vào khủng hoảng. HLV Akira Nishino cũng là một thành viên của FAT nên mỗi tháng sẽ mất 50% tiền lương trong bối cảnh chung ở làng bóng Thái Lan.

Cái hay của chủ tịch FAT là khi vẫn chưa thể biết khi nào hết dịch để bóng Thai-League lăn trở lại đã tìm cách hỗ trợ tài chính cho các CLB và không thu các khoản lệ phí tham gia giải cũng như những loại tiền phạt giống với V-League.

Hành động nhanh chóng và kịp thời của bóng đá Thái Lan khác hẳn với VFF còn rất dè dặt với xu hướng chung, sau lần chỉ đạo VPF lên phương thức cho V-League trở lại đá cách ly tập trung vào ngày 15-4 hoặc 1-5 trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch. Hiện có 8/14 đội bóng không ủng hộ ý tưởng của các nhà làm bóng đá Việt Nam qua hình thức phản đối, không có ý kiến hoặc từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu, dù VPF vẫn còn một buổi họp trực tuyến vào ngày 31-3.

Khó khăn của các CLB

Sau ba lần tạm hoãn và mới thi đấu V-League có hai vòng, các đội bóng đã trải qua gần nửa năm tập chay (tính từ tháng 11-2019 cuối mùa giải trước). Cũng vì không ai biết dịch COVID-19 sẽ làm gián đoạn giải đấu đến bao giờ, hầu hết CLB chỉ cho cầu thủ tập cầm chừng để duy trì sức khỏe là chính. Cái khó của CLB trong mùa dịch là vẫn phải trả lương đều đặn cho cầu thủ mà gần như không có nguồn thu. Hiện cũng chưa có đội bóng nào giảm lương cầu thủ khi còn có khả năng chu toàn cho họ. Tuy nhiên, nếu tình trạng bóng ngừng lăn nhiều, một số CLB đang tính đến khả năng sẽ thỏa thuận với cầu thủ giảm lương để giảm thâm hụt ngân quỹ.


Nguồn: Báo PLO

Tin liên quan