Chiều 10/12, cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố báo cáo Đánh giá đa ngành phục hồi sau bão Yagi. Báo cáo chỉ ra trong tổng nhu cầu khắc phục sau bão từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (5 năm) thì nhóm cơ sở hạ tầng cần lớn nhất với hơn 22.000 tỷ, riêng nhà ở và hạ tầng công phục vụ cộng đồng hơn 13.700 tỷ; nhóm sản xuất gần 16.000 tỷ, riêng ngành nông nghiệp là gần 12.500 tỷ đồng; nhóm vấn đề xuyên suốt chủ yếu là việc làm hơn 8.200 tỷ.
Đơn vị lập báo cáo khuyến nghị Việt Nam phục hồi theo ba trụ cột gồm: Khôi phục kinh tế cộng đồng và sinh kế của người dân; tăng cường khả năng chống chịu của chính phủ và cộng đồng trước thiên tai tương tự và tích hợp phương pháp "Xây dựng lại tốt hơn" trong thực hiện phục hồi, tái thiết.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá ngoài hỗ trợ tiền mặt và trang thiết bị ngay sau bão thì việc xây dựng báo cáo sẽ giúp thiết lập kế hoạch phục hồi dài hạn và toàn diện cho các địa phương bị ảnh hưởng. "Điều này không chỉ tiết kiệm nguồn lực mà còn đảm bảo sự điều phối hiệu quả, hướng tới mục tiêu xây dựng lại tốt hơn sau thiên tai", ông Hiệp nói.
Báo cáo đã phân tích tổn thất, nhu cầu khôi phục của 15 ngành chính được tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, PAO... phối hợp cùng cơ quan quản lý Việt Nam thực hiện ngay sau bão tại 14 tỉnh thành gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ.