Chấm dứt ngay hành động lạc điệu!
Nhiều nước đang đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, kiều bào tăng cường đóng góp cho Tổ quốc nhưng còn một ít người ở nước ngoài đi ngược tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Với chính sách hướng tới kiều bào ngày càng cởi mở, thuận lợi, sự đóng góp và hợp tác của kiều bào đối với quê hương những năm qua gia tăng nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng.
Những người bị thành kiến, lôi kéo và lạc điệu
Kiều hối về Việt Nam (VN) năm 2021 đạt mức kỷ lục 18,1 tỉ USD. VN trở thành một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Điều đáng chú ý là trong cơ cấu kiều hối năm 2021, 72% đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, giáo dục; 22% dành cho bất động sản; 6% cho tiêu dùng.
Những con số này phản ánh phần lớn nguồn tài chính từ bà con kiều bào không phục vụ nhu cầu trước mắt mà để đầu tư theo chiều sâu, đem lại lợi ích lâu dài cho bản thân và đất nước. Điều đó cũng khẳng định bên cạnh tình yêu quê hương, lòng tin của kiều bào đối với môi trường kinh doanh, môi trường sống, triển vọng phát triển của đất nước ngày một lớn hơn.
Bên cạnh dòng chảy từ mạch ngầm đại đoàn kết dân tộc ấy, vẫn còn xuất hiện lẻ tẻ một số lời nói, hành động lạc điệu của người VN ở nước ngoài.
Vào những dịp lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, làm việc tại Mỹ và các nước phương Tây, mặc cho sự đón tiếp, chia sẻ nồng ấm của đông đảo kiều bào, vẫn có một số người thể hiện thái độ gay gắt, cực đoan. Hành động tương tự tái diễn vào mỗi dịp cả dân tộc kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước 30-4, mặc cho non sông đã liền một dải gần nửa thế kỷ.
Theo đánh giá của nhiều đại diện kiều bào, những hành động này xuất phát từ việc vẫn còn giữ thành kiến với quá khứ hoặc bị lôi kéo, hoặc chưa nắm rõ tình hình trong nước và vị thế của VN trên trường quốc tế.
Vị thế, uy tín cùng mức độ hội nhập sâu rộng của VN đang khẳng định sự công nhận từ bạn bè thế giới đối với nước VN thống nhất. Đến nay, VN đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại rộng lớn với hơn 60 đối tác, bao gồm tất cả nền kinh tế lớn trên thế giới.
VN là thành viên của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhóm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ASEAN.
VN đã và đang tích cực phát huy vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021). Nước ta đóng góp quân nhân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ tháng 6-2014 đến nay. Cuối tháng 4 vừa qua, nước ta cử thêm Đội công binh 184 người tới Abyei ở châu Phi và BV dã chiến cấp 2 với 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ quân nhân, tới phái bộ Nam Sudan.
Với sự sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia và ngày càng khẳng định uy tín trên trường quốc tế, VN đã trở thành địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Hợp tác Việt - Mỹ đi vào chiều sâu
Những bước tiến trong quan hệ với Mỹ - cường quốc số một thế giới có nhiều thăng trầm, dư vị trong quan hệ với VN - cũng là cơ sở khẳng định uy tín của nước ta.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ tăng 248 lần sau 27 năm, đạt gần 112 tỉ USD vào năm 2021. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của VN, VN là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ và lớn nhất trong ASEAN.
Hợp tác kinh tế Việt - Mỹ hiện không chỉ dừng ở sản xuất, thương mại truyền thống mà đang từng bước mở rộng sang công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, năng lượng - những lĩnh vực đem lại lợi ích lớn hơn. Trong chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước về những lĩnh vực trên.
Thủ tướng cho biết: “Thời gian vừa qua đã khẳng định tính bổ trợ rất cao giữa hai nền kinh tế. Chúng ta còn nhiều dư địa phát triển, nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”. VN đang chuyển từ ưu thế về hàng hóa thâm dụng lao động sang ngành sản xuất điện tử, công nghệ cao, thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ từ Samsung, Intel... Nhiều tập đoàn đã thiết lập các cơ sở sản xuất, lắp ráp lớn tại VN những năm qua. Nơi đây đang trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới. Tầm quan trọng của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang tăng lên.
Bà Marisa Lago, Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ, từng chia sẻ y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ là ba lĩnh vực được ưu tiên hợp tác với VN trong năm 2022.
Ngoài ra, lợi thế giữa VN và Mỹ trong kinh tế số là bổ sung cho nhau chứ không phải cạnh tranh trực tiếp. Bởi vì doanh nghiệp Mỹ mạnh về nền tảng như mạng xã hội, hạ tầng dữ liệu và doanh nghiệp Việt mạnh về phát triển ứng dụng. Các doanh nghiệp Mỹ cũng muốn kéo VN đến gần thung lũng Silicon.
Trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ thời gian qua phát triển tốt đẹp, phía Mỹ đã tuyên bố muốn nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược.
Sự thiện chí hợp tác của các quốc gia trên thế giới và đông đảo bà con kiều bào dành cho VN gia tăng nhanh chóng đang ngày một khẳng định những hành động đi ngược với tinh thần đại đoàn kết dân tộc của số ít người Việt ở nước ngoài là lạc điệu. Việc từ bỏ hằn thù, thành kiến, hòa mình với dân tộc, cùng tạo ra sức mạnh chinh phục thành công mục tiêu xây dựng Tổ quốc hùng cường là quy luật tất yếu.
Nguồn: https://plo.vn/cham-dut-ngay-hanh-dong-lac-dieu-post682413.html