Lưu ý khi vay cầm cố sổ tiết kiệm

Để vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm, người có nhu cầu cần có sổ tiết kiệm chưa đến hạn tất toán, căn cước công dân và trình bày rõ mục đích sử dụng vốn vay...

Thuận tiện khi vay tiền bằng cầm cố sổ tiết kiệm

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều hình thức vay vốn để phù hợp với điều kiện, nhu cầu vay vốn của khách hàng. Trong đó, vay cầm cố sổ tiết kiệm là một hình thức vay tiền mà người vay sử dụng sổ tiết kiệm của mình làm tài sản thế chấp. Chính vì vậy, thủ tục vay rất đơn giản và nhanh gọn.

Là giáo viên về hưu, có tiền tích góp được từ lương, từ tiền làm thêm của hai vợ chồng, bà Loan huyện Lạng Giang, Bắc Giang lại mang đi gửi tiết kiệm dài hạn. Bà thường gửi 6 tháng hoặc 1 năm. Chính vì vậy mỗi khi cần tiền đột xuất, sổ chưa đến hạn rút, bà sẽ mang thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền.

"Khi tôi cần tiền đột xuất mà chưa đến hạn, tôi lấy tiền đó rút thì trở thành lãi suất không kỳ hạn sẽ rất thiệt thòi. Nhân viên tư vấn là dùng sổ tiết kiệm đó thế chấp vay thì khi trừ đi lãi tôi thấy vẫn được lợi", bà Ngô Thị Kim Loan, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, chia sẻ.

Lưu ý khi vay cầm cố sổ tiết kiệm - Ảnh 1.

Hiện các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều hình thức vay vốn để phù hợp với điều kiện, nhu cầu vay vốn của khách hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Còn chị Hồng (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) làm kinh doanh nhỏ cùng gia đình. Đang cần tiền để nhập hàng, chị muốn rút sổ tiết kiệm ra để trang trải, nhưng sau khi nghe nhân viên tư vấn, chị đã cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền, chỉ một lúc sau chị đã nhận được số tiền mình cần.

"Tôi thấy thuận tiện, nhanh. Phương thức trả ngân hàng thì tôi lấy tiền bán hàng tôi thanh toán với ngân hàng", chị Nguyễn Thị Hồng, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, cho biết.

Hiện người có nhu cầu sẽ được vay tối đa 100%, thậm chí hơn 100% giá trị của sổ nếu sổ đã gửi được thời gian dài và ngày vay ngắn. Mức lãi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm thường chênh khoảng 2% so với lãi suất gửi tiết kiệm và tiền vay có thể trả một lần hoặc có thể chia ra trả gốc và lãi theo hàng tháng, hàng quý, 6 tháng hoặc cuối năm.

Lưu ý khi vay tiền bằng cầm cố sổ tiết kiệm

Trong các loại hình tín dụng, cầm cố sổ tiết kiệm thường được các ngân hàng ưu tiên bởi tính an toàn cao. Tuy nhiên, loại hình nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm, người có nhu cầu vay vốn cần biết để áp dụng cho phù hợp với nhu cầu của mình.

Để vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm, người có nhu cầu cần có sổ tiết kiệm chưa đến hạn tất toán, căn cước công dân và trình bày rõ mục đích sử dụng vốn vay kèm theo phương án trả nợ ngân hàng. Thời gian vay sẽ được linh hoạt, khi đến thời hạn của sổ tiết kiệm sẽ tất toán sổ trả nợ.

"Khi đến hạn sổ tiết kiệm, chúng tôi sẽ nhắc và khách hàng nhớ để ra tất toán, đồng thời có thể ủy quyền để chúng tôi tất toán sổ tiết kiệm và thu nợ. Đối với trường hợp thế chấp sổ tiết kiệm không chính chủ, nếu có nhu cầu vẫn thế chấp được, nhưng phải có giấy ủy quyền hợp pháp theo đúng quy định", bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Agribank huyện Lạng Giang, Bắc Giang, cho biết.

Nguồn: VTV

Tin liên quan