Châu Âu thành lập 'câu lạc bộ 44 nước' cô lập Nga: Những tiếng nói trong cuộc

Các nhà lãnh đạo EU và 17 nước ngoài liên minh đã thành lập 'câu lạc bộ 44 nước' nhằm nhấn mạnh sự cô lập với Nga, song điều đáng chú ý nhất là sự có mặt của Thủ tướng Anh Liz Truss.

Ngày 6-10, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 17 nước láng giềng đã có mặt tại thủ đô Prague (CH Czech) để tham dự cuộc họp thượng đỉnh bàn về cuộc khủng hoảng an ninh và năng lượng đang tiếp diễn ở châu Âu, theo hãng tin Reuters.

Theo Reuters, cuộc họp giữa "câu lạc bộ 44 nước châu Âu" là một sự kiện mang tính biểu tượng nhấn mạnh sự cô lập của châu lục này đối với Moscow.

Cuộc họp tại Prague là sự kiện khai mạc của các hoạt động của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) - sản phẩm tinh thần của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Thủ tướng Cộng hòa Czech - ông Petr Fiala (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS

Trong số 17 nước không phải thành viên EU, nhiều nước đang chờ được gia nhập liên minh, trong khi một quốc gia khác - Anh, là quốc gia duy nhất rời EU.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen là nhà lãnh đạo duy nhất vắng mặt. Theo Reuters, hiện bà đang phải tham gia một cuộc tranh luận quan trọng tại quốc hội Đan Mạch.

Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thể hiện rất rõ sự thống nhất của 44 nhà lãnh đạo châu Âu trong việc lên án hoạt động quân sự của Nga và bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine".

Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: "Hội nghị thượng đỉnh này đã cho thấy rằng Nga hoàn toàn bị cô lập".

Thủ tướng Anh Liz Truss. Ảnh: REUTERS

Phát biểu thông qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky thúc giục các nhà lãnh đạo biến cộng đồng chính trị mới thành một "cộng đồng hòa bình của châu Âu".

"Hãy để ngày hôm nay là điểm khởi đầu. Nơi mà từ đó châu Âu và toàn thế giới sẽ tiến tới một nền hòa bình cho tất cả mọi người. Điều đó có thể xảy ra" - ông Zelensky nói.

Đáng chú ý trong cuộc họp lần này là sự xuất hiện của Thủ tướng Anh Liz Truss - người đã chịu áp lực từ người dân chỉ sau vài tuần nhậm chức.

Quyết định tham dự của bà Truss khiến một số người hy vọng về triển vọng tái thiết lập quan hệ giữa EU và Anh - vốn trở nên bế tắc sau khi các bên không thống nhất được các thỏa thuận thương mại hậu Brexit cho Bắc Ireland.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết hội nghị thượng đỉnh là "một sáng kiến rất kịp thời" để thảo luận về các vấn đề của châu Âu và tìm ra các giải pháp chung. Tuy nhiên, ông cảnh báo EPC không nên trở thành một giải pháp thay thế cho các nước hy vọng gia nhập EU.

Trong ngày 7-10 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU sẽ họp riêng tại Prague, theo Reuters.

Nguồn: plo.vn

Tin liên quan