Còn dư địa giảm lãi suất cho vay?

Theo Nhóm nghiên cứu Trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU), mặc dù lãi suất cho vay đã được giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, qua đó sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng, góp phần giảm lãi suất.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ có thêm nguồn tiền cung ứng cho nền kinh tế.

Mặc dù lãi suất cho vay đã được giảm nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay khách hàng là hộ thoát nghèo và hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội gần tương đương lãi suất cho vay khách hàng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

“Công cụ dự trữ bắt buộc (DTBB) chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng khả năng cung ứng tín dụng, giảm chi phí tín dụng, tăng khả năng tạo tiền để từ đó tác động làm giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế…”, nhóm nghiêm cứu của NEU đánh giá.

Nhóm nghiên cứu NEU khuyến nghị, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ DTBB trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Việc này sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Bởi vì, chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.

Trao đổi với PLVN, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, đề xuất này có phần đúng nhưng chưa đủ và cũng cần rà soát kỹ hơn.

Theo chuyên gia này, tại Việt Nam, tỷ lệ DTBB đối với VND hiện đang ở mức 3% cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, 1% cho tiền gửi trên 12 tháng (theo Thông tư 30/2019/TT-NHNN ngày 27/12/2019). Khi gửi khoản này, các TCTD được hưởng lãi suất là 0,5%/năm. “Như vậy, tỷ lệ DTBB của Việt Nam (bình quân khoảng 2% tổng tiền gửi), đang là mức khá thấp so với khu vực…”, TS Cấn Văn Lực khẳng định.

Theo TS Cấn Văn Lực, ngoài tác dụng tăng thanh khoản thông qua tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế, việc giảm tỷ lệ DTBB giúp TCTD giảm chi phí vốn (do TCTD phải trả lãi suất tiền gửi đó cho doanh nghiệp và người dân trong khi chỉ được hưởng lãi suất thấp từ ngân hàng Trung ương là 0,5%/năm), khi được giải phóng số tiền gửi đó, các TCTD có thể cho vay nhiều hơn với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, việc giảm này cũng khiến lượng cung tiền tăng, có tác động nhất định đến lạm phát.

“Vì vậy, NHNN khi điều hành công cụ này cần tính toán nhiều khía cạnh, vừa đảm bảo có thể hỗ trợ giảm chi phí vốn của TCTD, qua đó giảm lãi suất cho vay, nhưng cũng cần đảm bảo an toàn đối với các TCTD và kiểm soát lượng cung tiền, lạm phát cũng như chất lượng tín dụng”, ông Lực lưu ý.

Ủng hộ phương án NHNN xem xét giảm tỷ lệ này, nhưng TS Cấn Văn Lực cho rằng “có lẽ cũng chỉ có thể ở mức thận trọng” bởi trên thực tế, hiệu quả giải phóng vốn cho nền kinh tế của biện pháp này có thể sẽ không đạt như kỳ vọng.

Nguyên do là ngoài tỷ lệ DTBB, các TCTD tại Việt Nam còn cần tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của NHNN (các TCTD cần duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản và tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày ở mức 10%...).

“Vì vậy, việc giảm tỷ lệ DTBB này thường có tác dụng nhiều hơn đối với các TCTD có nhiều tài sản thanh khoản cao (tuy nhiên, đa số các TCTD thường duy trì ở mức độ phù hợp, để đảm bảo vừa an toàn, vừa tận dụng vốn nhàn rỗi để cho vay sinh lời). Vì thế, không phải tất cả số tiền được giảm từ DTBB có thể đem ra cho vay nền kinh tế…” - TS Lực phân tích.

Mặt khác, hiện tỷ lệ DTBB đang ở mức rất thấp (1%) đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, nên khó có thể giảm thêm. Khả năng giảm chỉ có thể đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng). Theo tính toán, nếu giảm 0,5% tỷ lệ DTBB đối với loại tiền gửi này thì sẽ giải phóng khoảng 27.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi ủng hộ phương án NHNN xem xét việc giảm tỷ lệ này, nhưng có lẽ cũng chỉ có thể ở mức thận trọng, khoảng 0,5%, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn còn yếu, lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Đồng thời, NHNN cũng có thể linh hoạt sử dụng các công cụ khác như nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD hoạt động an toàn, chất lượng tín dụng tốt” , TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Nguồn: https://baophapluat.vn/con-du-dia-giam-lai-suat-cho-vay-post422179.html

Tin liên quan