Dạy học sinh hư: Đừng để “giận quá mất khôn”

 Khi đánh giá, nhận xét học sinh, người thầy nên chú ý đến bối cảnh không gian đưa đẩy các em đến hành vi sai sót. Cũng là nội dung phê bình, cũng là sự nghiêm khắc trước cái sai nhưng nếu thầy cô không chọn thời điểm thích hợp thì kết quả không như mong muốn.

Tiết 2 sáng hôm đó, tôi chuyển sang lớp 8A theo thời khóa biểu với tâm trạng thoải mái vì tiết một đã dạy lớp 9A - một lớp có tiếng là ngoan và học tốt của trường.

Khi các bạn đã đứng lên và hô to lời chào thầy thì Q vẫn quay ngang, quay dọc chọc phá các bạn như không hề biết tôi đã đến lớp. Tôi đứng yên, chưa cho các em ngồi xuống. Cả lớp biết tôi chưa hài lòng vì sự mất trật tự của Q. Một vài tiếng nhắc Q điều chỉnh tác phong để thầy bắt đầu giờ dạy nhưng Q vẫn không thay đổi.

Qua tìm hiểu trước đó, tôi biết Q 3 năm liền hạnh kiểm chỉ được xếp ở mức trung bình. Lỗi lớn nhất là không chăm chỉ học tập và hay phản ứng với thầy cô. Những việc sai trái do cá nhân gây ra, Q thường né tránh, đổ cho các bạn, ít khi em chịu nhìn nhận.

May mắn là cha mẹ Q luôn có thái độ hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục con: dự họp cha mẹ học sinh của lớp đầy đủ, giữ liên lạc với nhà trường thường xuyên, mỗi lúc có thư mời đến trao đổi về sai phạm của Q, cha mẹ đều có mặt. Chỉ vì cả hai bận lo sinh kế suốt ngày nên Q chậm tiến bộ.

Mới hai ngày trước đây, tôi thấy cô giáo quản lý nề nếp nhà trường mời mẹ em vào trao đổi về việc cô giáo bộ môn phản ảnh em sử dụng điện thoại trong giờ học mà không nhận, đổ lỗi cho bạn.

Dự định bước qua đóng góp vài câu về việc học và hạnh kiểm của Q nhưng lại thôi, tôi nghĩ đồng nghiệp đã tận tâm, tận lực giúp Q tiến bộ, sai phạm của Q ghi đầy trong sổ cần gì nói thêm. Hơn nữa nhìn vào thái độ của mẹ Q, tôi tin người phụ nữ đó đặt hết niềm tin vào thầy cô trong việc giáo dục Q nên người.

“Con dại, cái mang”, tôi đoan chắc mẹ Q biết trách nhiệm của gia đình trong việc hợp tác với nhà trường nhưng quỹ thời gian quá ít, cha mẹ chưa làm Q chuyển đổi được.

Tôi yêu cầu Q trật tự để bắt đầu tiết học. Q vẫn cố làm ồn. Bực mình, tôi nói lớn:

- Thầy vừa gặp mẹ em. Vì thầy cô dạy lớp này chưa nói hết sai phạm của em nên mẹ em tưởng em là học sinh ngoan đấy! Thầy tiếc là chưa trao đổi gì với mẹ em.

Tôi vừa dứt lời, Q đấm tay xuống mặt bàn, gây tiếng vang cả lớp. Các bạn lao xao quay xuống chỗ Q ngồi. Tôi nghiêm mặt:

- Không được đập tay lên bàn, em có nghe không?

Trả lời tôi bằng hành động, Q ném mạnh cuốn sách giáo khoa xuống bàn lần nữa. Vẻ mặt Q lầm lì. Tôi nhìn Q nghiêm khắc:

- Em không được ném sách xuống bàn như thế!

Những tưởng trước sự nghiêm khắc của thầy, Q phải nhượng bộ nhưng không. Tất cả ngoài sự tiên đoán của tôi, lần này em lôi cả chiếc ba-lô chứa tập vở cá nhân ra quẳng mạnh xuống mặt bàn lần nữa. Cả lớp lặng thinh trước thái độ của Q.

Dù lớp mà Q đang theo học không có được thiện cảm của thầy cô vì đa phần học sinh chưa ngoan nhưng tỏ thái độ vô lễ như Q thì chưa em nào có. Tôi nhìn thẳng vào em, nghiêm sắc mặt, nói to từng tiếng:

- Thầy yêu cầu em bước lên đây. Em quá vô lễ. Thầy chưa bao giờ đập bàn quát học sinh mà em ba lần dám đập bàn trước mặt thầy.

Thật lòng mà nói, nếu Q không bước lên, tôi cũng chưa biết giải quyết ra sao. Nhìn Q khệnh khạng bước lên bàn giáo viên, tôi liên tưởng đến những vụ việc trò hành hung thầy, thầy sử dụng vũ lực với trò, thoáng chốc tôi thấy bất an. Q bước lên đến bàn giáo viên rồi đứng yên đó. Tôi đặt câu hỏi với Q:

- Đập bàn trước mặt thầy, hành động đó của em đúng hay sai?

Q nhìn tôi rồi thản nhiên trả lời tiếng một:

- Đúng!

Tôi truy đến cùng:

- Em thấy đúng chỗ nào?

- Vì thầy nói đụng chạm đến mẹ em trước lớp! Em sai, kệ em!

Tôi giật mình nhớ lại lời phê phán Q lúc nãy, bèn chuyển sang cách sử dụng sức mạnh tập thể để tranh luận với Q. Tôi mời một số em trong lớp nêu nhận xét về thái độ của Q. Tất cả đều thống nhất hành vi của Q là sai.

Ngay cả nhóm bạn của Q cũng đều phát biểu không đồng tình với thái độ của Q. Nét mặt của Q chuyển sắc không ngừng, từ đỏ bừng sang xanh tái.

Tôi biết Q đang hoang mang vì thấy không bạn nào ủng hộ mình dù trước nay cả lớp từng bị thầy cô nhận xét là hay bao che cho lỗi lầm của nhau.

Chưa hết, Q còn đặt câu hỏi với tôi:

- Sao có nhiều bạn cũng không chăm chỉ học, hay phá phách mà thầy chỉ nêu tên mình em? Hơn nữa “lôi” mẹ em vào để làm gì?

Biết Q đang cố lý sự. Tôi trả lời:

- Bạn nào sai, bạn nào không chăm học cũng đều được nhắc nhở, không chỉ riêng mình em. Cái chính là để các em tiến bộ chứ không phải để thầy cô có được lợi ích gì. Thầy nhắc mẹ em để cho em biết mẹ mỗi lần được mời vào trường là mang theo cả sự khổ tâm vì dạy con không nên người.

Q đứng yên, chưa tỏ thái độ gì biểu hiện là đã nhận thức được sai lầm của mình.

Thấy tình hình chưa ổn, tôi cho Q về chỗ ngồi, nhắc cả lớp trật tự chuẩn bị bài. Tôi bước ra hành lang, hít thở mấy hơi dài. Tôi nghĩ nhanh trong đầu, Q cũng có mấy phần đúng. Nếu tôi chọn thời điểm thích hợp có lẽ lời phê bình của tôi sẽ được Q tiếp nhận. Thái độ của Q chẳng qua là muốn chọn làm anh hùng trước lớp nên dù biết sai và biết cả lớp không ai đồng tình với hành vi của mình, Q vẫn giữ thái độ cố chấp.

Nhớ lại sắc mặt của Q biến đổi liên tục, tôi tin nhận xét của bản thân là đúng. Lẽ ra tôi nên chọn thời điểm khác và bằng lời nói tâm tình, nhỏ nhẹ trước sai sót của Q chắc chắn kết quả sẽ khác.

Một kinh nghiệm khác rút ra từ chuyện của Q là không nên dồn học sinh đến đường cùng vì khi ấy các em có thể có lời nói, hành vi không kiểm soát được, rất bất lợi cho việc giáo dục học sinh. Tạm cho học sinh sai về chỗ, bản thân người thầy có thời gian tự tìm lấy sự bình tĩnh thoát khỏi cơn nóng giận sẽ giúp việc giáo dục học sinh hiệu quả hơn.

Khi trở lại vào lớp, tôi tiến hành tiết dạy như chưa có gì xảy ra. Cả lớp hoàn thành tiết học như yêu cầu của thầy. Đến cuối giờ, tôi mới gọi Q lên. Tôi đề nghị em suy nghĩ kỹ rồi tự nêu nhận xét về hành vi của em. Trước đó, thi thoảng liếc nhìn, tôi thấy Q viết bài mà vẻ mặt căng thẳng lắm. Tôi biết Q đang đấu tranh giữa cái đúng và cái sai trong đầu về hành động đã làm. Q lí nhí:

- Dạ em sai.

Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Tôi nói với cả lớp nếu bình tĩnh nhận sai thì đâu có một tiết học vừa qua là nặng nề với Q và với cả lớp. Tôi nhắn nhủ: Thôi các em hãy xem đây là bài học kinh nghiệm cho mình. Riêng Q, thầy cũng vui vì cuối cùng đã nhận thấy sai, hãy tự cố gắng sửa sai cho gia đình và thầy cô vui lòng.

Sau đó, qua trao đổi với cô giáo chủ nhiệm của Q, tôi cũng không yêu cầu đưa Q ra hội đồng kỷ luật vì đã vi phạm những điều học sinh không được làm trong nhà trường dù có tình tiết tăng nặng là lặp lại hành vi vô lễ với giáo viên nhiều lần.

Khi đánh giá, nhận xét học sinh, người thầy rất nên chú ý đến tâm sinh lý lứa tuổi các em. Có thể các em biết sai nhưng vẫn liều lĩnh không nhận, bất chấp hậu quả. Bên cạnh đó, thầy cô nên chú ý bối cảnh không gian đưa đẩy các em đến hành vi sai sót.

Cũng là nội dung phê bình, cũng là sự nghiêm khắc trước cái sai nhưng nếu thầy cô không chọn thời điểm thích hợp thì kết quả không như mong muốn. Tôi may mắn rút ra được kinh nghiệm từ đồng nghiệp và vận dụng được vào thực tế của bản thân. Tôi thấy nhẹ nhàng trong cuộc sống và công việc giảng dạy hàng ngày.

Nguyễn Hữu Nhân (GV Trường THCS Võ Thị Sáu - Sa Đéc, Đồng Tháp)

Nguồn GDTĐ

Tin liên quan