'Đòn bẩn' của Suarez đã giết chết giấc mơ châu Phi

Zing lược dịch và gửi tới độc giả một chương trong cuốn tự truyện “Vượt qua ranh giới” của Luis Suarez. Cuốn sách được The Times mô tả như một thiên huyền sử về sự nghiệp đầy tranh cãi của chân sút người Uruguay.

Suarez dùng tay chơi bóng để cản pha dứt điểm của Ghana ở phút bù giờ hiệp phụ. Ảnh: Reuters.

Ở đó, Suarez tự nhận mình như kẻ phản diện vĩ đại của bóng đá thế giới, kẻ sẵn sàng vượt qua giới hạn để giành chiến thắng. Suarez sẵn sàng kể lại gần như mọi scandal lớn nhất trong sự nghiệp của anh, từ vụ cắn trung vệ Chielini, đến sự cố với hậu vệ Patrice Evra,…

Vây quanh Luis Suarez luôn là những người gieo vào đầu anh một niềm tin bất diệt, rằng phần còn lại của thế giới đã sai, chứ không phải anh ấy.

Họ làm điều đó bởi tiền đạo này luôn biết cách tạo ra những khoảnh khắc ma thuật, đôi khi nhuốm màu của nghệ thuật hắc ám. Những khoảnh khắc mà các thiên tài sạch sẽ như Lionel Messi hay Ronaldo de Lima không thể nào tưởng tượng nổi.

Chương dưới đây kể về pha chơi bóng bằng tay để đời của Suarez trong trận tứ kết World Cup 2010, pha bóng được nhiều người xem là bỉ ổi, đã phá nát giấc mơ của cả một châu lục.

Suarez luôn tự nhận mình đã thực hiện "Bàn tay của Chúa" sau trận gặp Ghana. Ảnh: Getty.

Bàn tay của Chúa

Khi Uruguay đánh bại Ghana trong loạt luân lưu để lần đầu tiên lọt vào bán kết World Cup sau 40 năm, vợ của tôi đang mang bầu và theo dõi qua màn hình tivi. Và tôi đã làm một điều thật khó tưởng tượng.

Tôi bị đuổi khỏi sân sau khi giơ tay để cản phá một pha dứt điểm cận thành của đối phương, pha bóng đã dập tắt giấc mơ lần đầu tiên vào bán kết World Cup của châu Phi.

Trong căn phòng thay đồ trống trơn tại sân Soccer City, Johannesburg, tim tôi đập thình thịch, hai bàn tay đan vào nhau và ngước nhìn lên màn hình. Nhân viên phụ trách trang phục của đội, Guillermo Revetria là người duy nhất có mặt khi đó bên cạnh tôi.

Nhưng tôi không để tâm mấy đến Guillermo, tôi nhắn tin liên tục cùng Sofi, vợ tôi khi ấy đang xem trận đấu cùng gia đình tại Barcelona. Trước mỗi quả đá luân lưu, tinh thần tôi càng lúc càng tệ hơn. Tôi căng thẳng tột độ.

Tôi đang trải qua một World Cup kỳ lạ trong đời. Vợ tôi đã bay từ Nam Phi về Barcelona sau trận đấu cuối cùng của đội ở vòng bảng. Đội bóng thi đấu tốt lên theo từng trận, tôi đang thực hiện giấc mơ của đời mình, nhưng cái bụng của Sofi thì ngày một lớn.

Cô ấy đã có bầu hơn 7 tháng rưỡi trước khi giải đấu bắt đầu. Tôi sợ mình có thể bỏ lỡ ngày sinh của con gái mình. Tôi cũng nhớ vợ mình lắm. Bình thường Sofi luôn đến theo dõi mọi trận đấu của tôi, nhưng khi cái thai ngày một lớn, tôi phải để cô ấy về Barcelona, nơi có gia đình và các bác sĩ hàng đầu chăm sóc.

Mỗi lần tôi điện cho Sofi, cô ấy bảo mình luôn chịu những cơn co thắt sau mỗi trận đấu của tôi. Trước loạt luân lưu của Uruguay và Ghana, tôi gọi cho Sofi và đã khóc trên điện thoại.

Tôi kể lại mọi thứ nhưng sau đó trấn an cô ấy: "Đừng lo, đừng lo em yêu, đừng sinh em bé vào lúc này. Anh chỉ điện em vì loạt luân lưu sắp bắt đầu”. Tôi muốn tắt máy nhưng khi nhìn thấy Diego Forlan thực hiện thành công loạt sút đầu tiên, tôi nhắn tin: “Gol!”. Cô ấy nhắn lại gần như cùng lúc: “Gol!”.

Trước đó ít lâu, trên đường hầm vào trong phòng thay đồ, tôi đã nhảy lên như thằng điên khi chứng kiến Gyan đá hỏng quả penalty sau lúc tôi rời sân. Uruguay sẽ lại có cơ hội lần đầu tiên vào bán kết World Cup sau 40 năm. Tôi xứng đáng với điều đó.

Vào loạt luân lưu, Gyan đã không đá hỏng. Victorino sút vào, Appiah sút vào, Scotti sút vào. Đến lượt thứ 3 của Ghana, Mensah sút hỏng. Tôi nhắn tin cho vợ: “Cố lên nào”, rồi Pereira của chúng tôi sút hỏng. Đau quá. Tôi vứt điện thoại xuống sàn. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Điện thoại chẳng mang lại chút may mắn nào cho chúng tôi.

Nhưng rồi Adiyah của Ghana sút hỏng, Uruguay đang tạm dẫn trước. Và rồi gã điên Abreu sút quả quyết định, 4-2 cho Uruguay, xong rồi, “chúng tôi đã thắng”.

Suarez được các đồng đội công kênh như người hùng sau trận tứ kết World Cup 2010 với Ghana. Ảnh; Getty.

Bóng đá là thế

Tôi cảm thấy tội nghiệp Gyan. Anh ấy đã sút hỏng quả 11m quan trọng nhất đời mình, đưa bóng đi vào xà ngang. Anh ấy có thể đã bị phân tâm bởi những tranh cãi của các cầu thủ Uruguay sau khi tôi nhận thẻ đỏ.

Điều đó, những thanh minh về việc tôi không đáng nhận thẻ đỏ và vô tội thật lố bịch, tôi biết điều đó nhưng phải nói sao bây giờ, bóng đá là thế.

Người Nam Mỹ chúng tôi tư duy về bóng đá đôi khi khác với phần còn lại của thế giới. “Gọi nó là gian lận thì hơi quá, nó giống như một sai lầm thì đúng hơn”, HLV trưởng của chúng tôi, Oscar Tabarez nói sau trận.

Tự thân câu trả lời ấy nói lên tất cả về quan điểm bóng đá của chúng tôi. Màn ăn mừng từ Nam Phi đến các đường phố ở Montevideo nói lên tất cả, không có chỗ cho sự xấu hổ hay hối hận.

“Bàn tay của Chúa” thuộc về tôi. Tôi đã thực hiện pha cứu thua hay nhất giải đấu. Forlan sau trận đấu bảo rằng anh ấy chỉ buồn vì tôi không thể đá trận bán kết cùng tôi, chứ pha cản phá của tôi là quá tốt.

Gyan sau này nói rằng pha bóng ấy đã ám ảnh anh suốt cuộc đời. Mọi thứ với tôi cũng đâu có gì khác. Người ta nói tôi là kẻ xấu, đã làm trò bẩn, là con quái vật phỉ báng vào tinh thần thể thao cao thượng.

Ghana mới chỉ là đội châu Phi thứ 3 trong lịch sử vào tới tứ kết World Cup. Trước trận, tôi biết rằng họ đang là niềm hy vọng và duy nhất của cả một châu lục. Đúng rồi, World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại đây. Trong lịch sử chưa từng có đội châu Phi nào vào đến bán kết World Cup.

Nhưng còn giấc mơ của mấy triệu người Uruguay thì sao? Tôi luôn tự hào vì mình xứng đáng nhận thứ thành kiến ấy từ những kẻ căm ghét. Tôi đã vào bán kết World Cup, tôi đã là người hùng của Uruguay.

Tôi đâu phải cầu thủ Nam Mỹ duy nhất vượt qua lằn ranh của luật lệ để giúp đội nhà giành chiến thắng? John Pantsil, hậu vệ của Ghana, sau trận đấu nói rằng không cầu thủ Ghana nào sẽ hành xử như Suarez, bất chấp tinh thần cao thượng của thể thao để làm điều đó.

Tôi tôn trọng lời nói của anh ấy, nhưng anh ấy cần phải rơi vào tình thế của tôi khi ấy đã. Đôi khi, bạn phải đưa ra quyết định của cả một đời người, một dân tộc. Tôi phải bước tiếp thôi. Năm đó, tôi mới 22 tuổi và đang tràn đầy khát khao và nhiệt huyết. Cái gì qua hãy để nó qua. Đến cuối ngày, nó cũng chỉ là một trận đấu.


Nguồn: Báo Zing

Tin liên quan