Toàn bộ xe kinh doanh phải đổi sang biển vàng, kể cả Grab

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một trong những nội dung quy định mới của Thông tư lần này là việc cấp, đổi biển số cho loại hình xe kinh doanh vận tải.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của Thông tư quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.

Trao đổi với Zing, thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện (Cục CSGT), đánh giá việc quy định màu biển khác biệt sẽ là cú hích tạo sự bình đẳng, thống nhất giữa các phương tiện kinh doanh vận tải trong cả nước.

Áp dụng với tất cả phương tiện kinh doanh, kể cả taxi công nghệ

Theo Thông tư 58, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8. Ngoài ra, đối với các phương tiện kinh doanh đã hoạt động trước đó sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021.

Mẫu biển số xe nền vàng, chữ và số màu đen sẽ được áp dụng cho xe kinh doanh vận tải từ 1/8. Ảnh: H.Q.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng các phương tiện kinh doanh vận tải trên cả nước, các cơ quan chức năng chỉ quản lý theo chủng loại xe. Theo thống kê của Cục CSGT, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu xe khách và xe tải dự kiến sẽ chuyển sang biển màu vàng. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm các loại xe con, xe cá nhân rất lớn đang thực hiện kinh doanh.

“Ngoài ra, có những xe dù khi đăng ký là xe khách, họ không thực hiện hoạt động kinh doanh, chỉ phục vụ nội bộ gia đình, nội bộ công ty thì sẽ không phải đổi sang biển màu vàng”, thượng tá Phạm Việt Công nói.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện của Cục CSGT, xe taxi công nghệ hoạt động thời gian ngắn cũng phải đổi biển sang biển số màu vàng. Khi không còn kinh doanh, chủ xe có thể tới các đơn vị đăng ký xe sẽ làm thủ tục cấp đổi như ban đầu.

Trong trường hợp các phương tiện này không chấp hành đổi biển trong thời hạn hoặc thực hiện kinh doanh mà không đăng ký, Cục CSGT cho biết lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp trên đường sẽ giám sát và xử phạt.

Tài xế taxi công nghệ sẽ bị xử phạt nếu không đổi sang biển màu vàng. Ảnh minh họa: H.Q.

Để tạo thuận lợi cho các chủ xe, Thông tư mới cũng quy định việc đăng ký xe được rút ngắn thời gian thay vì tối đa 7 ngày như hiện nay, người dân có thể đăng ký trực tuyến trên mạng sau đó hẹn giờ, ngày đến làm thủ tục và lấy biển số.

Ngoài ra, chủ xe khi đi đổi biển số chỉ cần mang một trong những giấy tờ như chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc hộ khẩu, không cần mang xe đến trụ sở đăng ký, sau đó điền tờ khai (không phải cà số khung, số máy) và sẽ được cấp biển mới ngay nếu đủ điều kiện, chi phí cho một lần đổi biển số dự kiến là 100.000 đồng.

“Chúng tôi không dồn toàn bộ người dân về các điểm đăng ký tập trung, người ở địa phương nào sẽ tới đổi biển ở cơ quan đăng ký xe địa phương đó. Cục CSGT cũng đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Tới nay, toàn bộ các địa phương, các đơn vị đều đảm bảo cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ sẵn sàng cho ngày 1/8 tới đây”, thượng tá Công nói.

Tạo sự bình đẳng giữa các phương tiện kinh doanh

Tại Nghị quyết 12/2019, về tăng cường đảm bảo TTATGT và chống UTGT giai đoạn 2019-2021, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an cần bổ sung quy định liên quan đến đăng ký xe để đảm bảo nâng cao hơn nữa xử phạt vi phạm giao thông, trong đó nhấn mạnh màu biển kiểm soát ôtô phân biệt khác nhau giữa xe thuộc cơ quan Nhà nước, xe cá nhân, xe kinh doanh và xe của lực lượng vũ trang.

Theo Cục CSGT, dù hiện đã có hệ biển quản lý theo dòng phương tiện, thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh vận tải mới, như xe 16 chỗ biến tướng chở khách, taxi công nghệ… Tuy nhiên các xe này lại không chịu sự quản lý và đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng, gây bất bình đẳng, mất trật tự ATGT.

Từ bối cảnh trên, Bộ Công an đã đề xuất trở lại quy định màu biển số riêng đối với loại hình xe kinh doanh vận tải sau hơn 2 năm. Thượng tá Phạm Việt Công đánh giá nếu thực hiện thành công, đây sẽ là một cú hích tạo sự bình đẳng, thống nhất giữa các phương tiện kinh doanh vận tải trong cả nước với 3 lợi ích lớn.

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đang hoạt động. Các xe kinh doanh vận tải có những điều kiện đặc thù, chủ xe cần tuân thủ, tới đây nếu đổi biển sẽ được quản lý chặt chẽ.

Thứ hai, tạo số liệu thống nhất, từ đó đánh giá về năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng, có những giải pháp điều hành thích hợp.

Thứ ba, tạo sự bình đẳng giữa các phương tiện kinh doanh vận tải. Theo thượng tá Phạm Việt Công đây là điều quan trọng nhất. Ông lấy ví dụ taxi công nghệ và taxi truyền thống, ở cùng 1 tuyến đường cấm xe kinh doanh vận tải thì hiện nay vẫn có tình trạng taxi công nghệ vẫn hoạt động nhưng không thể nhận diện, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, nhiều điều kiện đặc thù khác của ôtô kinh doanh vận tải cần được đáp ứng bình đẳng giữa các phương tiện.

Phân định màu biển số giữa xe cá nhân và xe kinh doanh được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Stars&Stripes.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng ranh giới giữa các xe kinh doanh và xe cá nhân ở nước ta hiện chưa rõ ràng. Theo thông lệ, các nước có hệ số an toàn giao thông cao trên thế giới đều có sự phân định màu biển số giữa các xe kinh doanh và không kinh doanh. Tuy nhiên ông nhấn mạnh cơ quan thực thi cần phải làm triệt để, không để sót, đồng thời đơn giản hóa thủ tục tối đa cho chủ xe.

“Sẽ có một lượng lớn phương tiện phải đổi biển, chúng tôi đề nghị cơ quan thực thi cân nhắc đảm bảo hài hòa thủ tục, chi phí để tránh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19”, ông nói.


Nguồn: Báo Zing

Tin liên quan