Dựng cải lương xưa: Nhiều áp lực

Sàn diễn cải lương nóng dần lên với những vở nổi tiếng một thời được tái dựng theo hình thức hiện đại. 20 vở cải lương cũ đã được tái dựng. Trong đó, khoảng 8 vở được xem là kinh điển, được giới chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật và giá trị nhân văn không bị lu mờ theo thời gian.

Sức sống bảo chứng qua năm tháng

Không hẹn mà gặp, hầu hết các đơn vị xã hội hóa cải lương ở TP HCM đều chọn kịch bản xưa để dàn dựng. Vừa qua, vở cải lương tuồng cổ nổi tiếng "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" của nhóm Vũ Luân diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ) đã bán hết vé. Sau đó, vở "Tứ tử đậu tân khoa" cũng kín người xem. Vở này ăn khách một phần là vì đã quá lâu, khán giả không được xem Vũ Luân và Tú Sương đảm nhận vai chính, phần nữa là do kịch bản dù cũ nhưng cách dàn dựng đã mang đến cho người xem cảm xúc mới.

Nghệ sĩ Thanh Điền cho biết tái dựng những vở cải lương kinh điển không còn là chuyện mới. Những vở ra đời cách đây hàng chục năm vẫn còn sức sống. Dù có được dựng với hàng trăm phiên bản thì "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Lan và Điệp", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tiếng trống Mê Linh", "Hoa Mộc Lan", "Tình mẫu tử"… vẫn thu hút người xem. Tuy nhiên, phiên bản mới mà dựng không tới thì có lỗi với khán giả.

"Vở cũ trên sàn diễn mới có nhiều áp lực. Tác phẩm vốn quen thuộc với khán giả cải lương qua nhiều thập kỷ thì câu chuyện, nội dung không còn là vấn đề khiến họ quan tâm. Điều hấp dẫn chính là phần âm nhạc được phối mới, từ nhạc chuyển cảnh cho đến nhạc chủ đề. Cảnh trí cũng được thiết kế phối hợp với màn hình LED, bài trí đơn giản nhưng ấm áp, gần gũi; phục trang cách tân làm cho vở diễn sinh động" - nghệ sĩ Vũ Luân lý giải.

Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng thành công khi tái dựng vở cải lương "Mạnh Lệ Quân", diễn tại rạp Công Nhân (TP HCM). "Tôi cũng gặp áp lực, nhất là khi thời lượng kịch bản cũ dài hơn 3 giờ nay phải cắt ngắn, gói gọn trong 2 giờ 30 phút. Sân khấu được trang trí bằng màn hình LED, trang phục được thiết kế mới hoàn toàn, kể cả đặt hàng nhạc sĩ Minh Tâm viết bài hát mới cho vở cũ. Trước đó, vở "Xử án Phi Giao" cũng đã được viết mới nhiều ca khúc để 2 nhân vật chính thể hiện nhiều bài bản mới, ca khúc mới trong 4 đại cảnh. Chính vì thế, vở đã "cháy vé" khi diễn tại Nhà hát Hòa Bình" - nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết.

Hai nghệ sĩ Quế Trân và Võ Minh Lâm trong phiên bản mới “Hòn vọng phu” của đạo diễn Chí Linh

Chuyện xưa cho khán giả nay

Đạo diễn Thanh Điền đang dàn dựng phiên bản mới của vở cải lương "Lan và Điệp". Ông cho biết đã tìm được chìa khóa sáng tạo cho kịch bản kinh điển này. Phần nghe từ kịch bản đã quá chuẩn, nay cần cho khán giả xem phần hình. Do đó, ông quyết định chọn 2 yếu tố để làm mới trong đợt tái dựng vở "Lan và Điệp" là âm nhạc và cảnh trí. "Cả hai phải hòa quyện với cuộc sống hôm nay, phục vụ diễn xuất cho các diễn viên" - nghệ sĩ Thanh Điền tự tin.

Gọi là ăn khách nhưng các vở dựng mới này, theo nghệ sĩ Kim Tử Long, chỉ diễn được 2 suất, giỏi lắm 3 suất là hết khán giả. "Thực tế này đau lắm, dù vở diễn được đầu tư rất công phu, tốn kém. Cụ thể, vở "Rạng ngọc Côn Sơn" được đầu tư cảnh trí tốn hơn 800 triệu đồng nhưng chỉ diễn được vài suất, chưa lấy lại vốn thì đã khó có thể bán vé thêm suất nào" - anh bày tỏ.

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết nhà hát này đã tái dựng nhiều phiên bản mới của các vở kinh điển: "Máu nhuộm sân chùa", "Đêm lạnh chùa hoang", "Trà Hoa Nữ", "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Giấc mộng đêm xuân"… nhưng chỉ diễn vài suất là không còn khán giả. Nhà hát vừa triển khai dựng vở mới "Lê Công kỳ án" của tác giả Hoàng Song Việt, hứa hẹn sẽ thu hút khán giả đến xem.

Giới chuyên môn cho rằng nếu vở cải lương nêu lên được những vấn đề có tầm thì luôn phù hợp với mọi thời đại nên dù dàn dựng trong bất cứ bối cảnh nào cũng chạm đến cảm xúc người xem. Song, có những vấn đề cần đặt ra trong bối cảnh mới cho phù hợp với thời đại khán giả đang sống thì phải thay đổi. Đây là điều chưa làm được trong nhiều vở sân khấu kinh điển khi tái dựng.

Nghệ sĩ Vũ Luân cho rằng chọn kịch bản cũ để dựng mới là cách "lấy ngắn nuôi dài" trong khi chờ đợi, tìm kiếm kịch bản hay, dựng mới hoàn toàn. Theo nghệ sĩ Vũ Luân, đầu tư cho tác phẩm mới là mệnh lệnh của cuộc sống hôm nay, mỗi nghệ sĩ cải lương đều thấu hiểu điều đó.

Nguồn: Báo NLĐ

Tin liên quan