Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Vinh, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngọc Kim Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tham dự Đại hội còn có đồng chí Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và 300 đại biểu đại diện cho 24.403 đảng viên của 90 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ TP. Vinh.

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Phạm Bằng

Đại hội nghe đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Vinh, lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trình đại hội.

Báo cáo nêu rõ, nhiệm kỳ qua, kinh tế TP. Vinh phát triển khá toàn diện, là đầu tàu tăng trưởng của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 8,62%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Giá trị gia tăng chiếm khoảng 24,6% tổng giá trị gia tăng của tỉnh; giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 104,95 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt 72,34%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 24,80% năm 2015 lên 26,31% năm 2020; nông nghiệp giảm từ 1,82% năm 2015 còn 1,35% năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 79.478,8 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Ngọc Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vinh khai mạc Đại hội. Ảnh: Phạm Bằng

Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán giao. Năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 5.470 tỷ đồng, gấp 1,82 lần so với năm 2015. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 104,95 triệu đồng.

Dịch vụ phát triển khá nhanh, đa dạng, nhất là các lĩnh vực thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng, viễn thông, vận tải. Công nghiệp, xây dựng có bước tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của thành phố.

Công tác thu hút đầu tư được tăng cường,triển khai nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội. 5 năm qua, có 52 dự án trên địa bàn được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn 7.926,8 tỷ đồng.

Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Vinh, lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Phạm Bằng

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ; bộ mặt đô thị Vinh đổi thay tích cực, khang trang, hiện đại hơn, năng lực mới tăng thêm khá rõ nét. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Thành phố giữ vững vị trí lá cờ đầu của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh nhà.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo, củng cố và tăng cường, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa xứng tầm với đô thị loại I, các yếu tố trung tâm vùng hình thành chậm; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn yếu kém; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế. Còn 12/29 chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII đề ra chưa hoàn thành.

Toàn cảnh phiên khai mạc chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Phạm Bằng

Định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới là mở rộng, phát triển thành phố Vinh thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu mạnh; ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh.

Xây dựng đô thị thông minh, đưa thành phố Vinh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Quyết định số 827 ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025:

- Tốc độ tăng trưởng GTGT giai đoạn năm 2021 - 2025: 10 - 11%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng: 33-34%; dịch vụ: 65 - 66%; nông nghiệp: 0,5 - 1%.

- Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2025: 170 - 175 triệu đồng.

- Thu ngân sách đến năm 2025 trên địa bàn đạt: 8.500 tỷ đồng; trong đó phân cấp thành phố quản lý năm 2025: 2.805 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2025: 130.000 tỷ đồng.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo trên 73%, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 50%. Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm là 4.500 người.

- Tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm: 0,01- 0,02%; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn dưới 0,15% và giảm nghèo bền vững đối với những hộ cận nghèo.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom: 100%; phấn đấu 98% lượng chất thải thu gom được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Tỷ lệ phường, xã đạt an toàn về ANTT: 80%; tỷ lệ giảm tội phạm hàng năm 5%.

- Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thành phố: Hàng năm được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

- Hàng năm có 90% số tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, phấn đấu không có tổ chức cơ sở đảng bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.


Nguồn: Báo Nghệ An

Tin liên quan