Kinh tế Việt Nam chuyển sang giai đoạn 'làm nóng'

Nối tiếp thành tựu nổi bật về kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch là thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ với nhiều xu hướng khởi nghiệp sáng tạo.

Những sự kiện mang tính khủng hoảng như đại dịch COVID-19 như thước đo sức mạnh về tinh thần, tư duy và sáng tạo của con người là không có đường biên mang tên giới hạn. Trong năm qua giải pháp hữu hiệu để chúng ta đối mặt và kiểm soát cơn khủng hoảng kinh tế do dịch đó là thực hiện “mục tiêu kép, thích ứng linh hoạt”. Và thành quả của chặng đường khó khăn đã qua là một nền kinh tế tăng trưởng rất cao, song hành với đó là sự bùng nổ của chuyển đổi số.

Việt Nam là “điểm sáng” của châu Á

Nhắc lại câu chuyện xoay xở trong dịch có lẽ đã cũ nhưng đây cũng là nền tảng để chúng ta có thể giải mã vấn đề phát triển hay suy thoái một cách có trình tự. Bài toán về kinh tế chưa bao giờ có đáp án chính xác bằng con số, bởi những dự đoán hay những nhận định đều chỉ mang tính tham khảo dựa trên những dữ liệu và dữ kiện tương đối.

Sự tăng trưởng sau thời kỳ kinh tế tạm “đóng băng” do dịch COVID-19 giúp Việt Nam (VN) trở thành “vơ đét” đáng ngưỡng mộ ở khu vực châu Á. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng khá ấn tượng về GDP của VN đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của VN lên 7% trong năm 2022. Đáng nể hơn, các tổ chức đều nhận định VN là quốc gia duy nhất được điều chỉnh tăng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Giải mã cho sự tăng trưởng này bằng việc so sánh giữa thời kỳ “đóng băng” của hai năm trước và thời kỳ “tan băng”, chuyển sang giai đoạn “làm nóng” hiện nay. Dù chưa thể nói kinh tế nước ta phát triển nhanh như gió, mạnh như bão nhưng đã đạt được mong muốn, thậm chí trên cả kỳ vọng.

Thành quả đầu tiên là sự nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc kết nối liền mạch các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời kỳ giãn cách. Một cỗ máy liên kết các ngành nghề từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, logistics… đã hoạt động nhịp nhàng, nhuần nhuyễn, trơn tru trở lại.

Dịch vụ là một trong những phân khu “thừa thắng xông lên” khi lượng người tiêu dùng bật tăng như lò xo để thỏa mãn nhu cầu mua sắm vì bị dồn nén trong kỳ “ngủ đông”. Các lĩnh vực khác cũng thỏa mãn đầu tư khi các ngân hàng ưu đãi cho vay, quỹ tín dụng luôn được làm đầy như “nồi cơm Thạch Sanh” và đặc biệt với hàng loạt chính sách phục hồi của Chính phủ. Với những thuận lợi trên, nền kinh tế VN như được bơm dần các tế bào dưỡng chất cần thiết nhất để nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng bứt phá.

Ngoạn mục hơn, khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi rất nhanh, khoảng đến tháng 7-2022, Chính phủ có xu hướng chuyển tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Theo đó, hàng loạt chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện và hiệu quả cũng vượt cả kỳ vọng. Chính phủ hoàn toàn kiểm soát được sự giảm giá của đồng tiền Việt theo cách giảm lạm phát nhập khẩu… Đó là phần lớn các lý do VN trở thành “điểm sáng” của châu Á như nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế con số cao “ngất ngưởng” này ta đang so với thời kỳ “đóng băng”. Nôm na thì nền kinh tế chúng ta trong thời kỳ “ngủ đông” cũng giống như chiếc xe đứng bánh nên chỉ cần nhích nhẹ chân ga là động cơ sẽ tăng tốc vượt trội, chúng ta đang trong giai đoạn như vậy.

Ví dụ điển hình nhất là du lịch - ngành công nghiệp không khói luôn được kỳ vọng kéo về doanh thu ở mức “chót vót” và sau đại dịch cũng có một hành trình khôi phục khá chông gai. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu tính chung 10 tháng năm 2022, lượng du khách quốc tế đến VN đạt hơn 2,35 triệu lượt. Con số này tăng gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng nếu so với thời kỳ trước khi “ngủ đông” (năm 2019) thì vẫn giảm. Trong đại dịch lượng du khách đến VN bằng 0, sau ngày 15-3-2022, lượng du khách bắt đầu trở lại VN nhưng gặp khá nhiều cản trở về cách ly, chính sách visa… Tuy nhiên, tất cả “bí bách” này cũng được Chính phủ “cởi trói” trong thời gian gần đây nên việc du khách tăng với một cột sóng cực lớn là điều dễ hiểu.

Như vậy, với mức tăng trưởng mạnh như trên xem ra cũng là một trong những sóng “hình sin” theo chiều hướng lên xuống và đây là giai đoạn chuẩn bị nhảy sóng. Bởi lẽ theo nguyên lý, muốn tiến thì buộc phải lùi, giống như cung và tên vậy, khi bắn ra khỏi đường cung, mũi tên nhất định phải khiêm tốn lùi về phía sau vài nhịp.

Một tín hiệu vô cùng khả quan sau giai đoạn “đóng băng”, chúng ta cực kỳ ấn tượng với vấn đề chuyển đổi số trong phát triển kinh tế. Có thể thấy từ trung ương đến địa phương, từ các cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp đều bắt đầu những câu chuyện “đỉnh cao của kỷ nguyên công nghệ” với tiêu chí lấy chuyển đổi số làm trọng tâm để phát triển.

Hay nói cách khác, thời kỳ “đóng băng” do dịch COVID-19 là giai đoạn “nằm kén”, đây là giai đoạn tìm xu hướng mới để “tiến hóa”, để chuyển mình, để tập trung tất cả sức lực nhằm “phá kén” và tung cánh tự tin bay trên bầu trời. Và một trong những xu hướng ta tìm thấy trong thời kỳ “nằm kén” chính là chuyển đổi số như đã nói. Theo lẽ, chuyển đổi số chắc chắn chưa phát triển nhanh như hiện nay nếu chưa “đụng độ” với dịch bệnh.

Vì đụng độ với dịch bệnh mà các nền tảng như họp mặt online, tổ chức sự kiện online, làm việc online, mua sắm online; thậm chí ăn nhậu, đi du lịch cũng online... đều phát triển và nâng tầm cao mới. Đây cũng là một câu chuyện lạc quan trong thời kỳ “ngủ đông”, bởi dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực nhưng lại không “có cửa” tác động đến công nghệ số.

Với những dữ liệu và dữ kiện hiện nay, những định hướng trong tương lai gần, xa, nền kinh tế VN chắc chắn sẽ tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục là “vơ đét” của khu vực châu Á và vươn xa ra thế giới. Vị thế của VN sẽ thay đổi nhanh, mạnh, bền vững với tiêu chí đẩy mạnh chuyển đổi số. Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan bởi nhìn ở góc độ “chớp cơ hội” thì đây là thời điểm cho hàng loạt doanh nghiệp bứt phá, trong đó có giới trẻ với những xu hướng “khởi nghiệp 4.0”.

Nguồn: plo.vn

Tin liên quan