Mỹ: Bán tàu bọc thép cho Kenya nhưng người Trung Quốc không chịu ngồi vào

"Trung Quốc đang tập trung vào thị trường vũ khí bằng cách giảm giá, tài chính săn mồi và hối lộ. Hãy mua vũ khí của Mỹ, không nên mua vũ khí chất lượng kém của Trung Quốc vì chúng có nguy cơ giết cả quân địch lẫn người nhà" – báo South China Morning Post (SCMP) hôm 1-11 dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự, R. Clarke Cooper, cho biết.

Cũng theo ông Cooper, Mỹ tài trợ an ninh và quốc phòng hơn 10 tỉ USD cho các đồng minh trên khắp thế giới nhưng Trung Quốc đang tập trung vào thị trường vũ khí để làm suy yếu quyền lực của Mỹ. "Việc lựa chọn Mỹ là đối tác an ninh vẫn là lựa chọn tốt nhất... Trung Quốc đang sử dụng chuyển giao vũ khí như một phương tiện để gây ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo" – ông Cooper nhấn mạnh tại cuộc họp ở Trung tâm Quốc tế Meridian (Washington) hôm 31-10.

UAV vũ trang CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: China Defence Forum

Ngoài ra, tại Trung Quốc, ông Cooper nói rằng các thực tập sinh nước ngoài có thể bị gộp chung với các sĩ quan có trình độ kém hơn từ khắp nơi trên thế giới tại Trung tâm Trao đổi Giáo dục Quân sự Quốc tế Trung Quốc. Còn các quốc gia mua vũ khí của Mỹ có thể gửi sĩ quan quân đội tham gia chương trình Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế của nước này, không bị "phân biệt".

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ ra một số trường hợp cho thấy vũ khí Trung Quốc có thể gây ra mối nguy hiểm đối với người sử dụng. Đó là khi Kenya mua phương tiện bọc thép Norinco VN-4, đại diện bán hàng của Trung Quốc đã từ chối ngồi bên trong tàu này trong một vụ bắn thử nghiệm.

Norinco VN-4 (biệt danh "Tê giác") được sản xuất bởi Công ty công nghiệp Trùng Khánh do nhà nước sở hữu. Ông Cooper cho biết "hàng chục nhân viên an ninh Kenya đã bị giết trong các phương tiện đó".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ không bình luận khi được liên lạc.

Thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới từ năm 2014-2018, tiếp theo là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc. Doanh số bán hàng của Mỹ tăng 29% trong giai đoạn này so với 2,7% của Trung Quốc. Khách hàng lớn nhất của Mỹ là Ả Rập Saudi, của Nga là Ấn Độ và của Trung Quốc là Pakistan.


Nguồn: Báo Người Lao Động

Tin liên quan