Mỹ chậm viện trợ cho Ấn Độ là cơ hội của Trung Quốc

Trong hơn tuần qua, Ấn Độ đã phải kêu gọi và nhận viện trợ từ các nước để sử dụng trong công tác chống dịch của nước này. Tối muộn 22/4, chính quyền Mỹ - sau khi đối mặt áp lực của dư luận - mới thông báo bắt đầu tiến trình giúp đỡ Ấn Độ - sau gần một tháng nước này chao đảo vì làn sóng đại dịch thứ hai.

Cùng lúc đó, New Delhi vẫn tiếp tục giữ im lặng trước lời đề nghị viện trợ từ Bắc Kinh, nhưng các công ty Ấn Độ đã ký hợp đồng với các hãng Trung Quốc để nhập khẩu bình oxy và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE).

Các nhà phân tích cho rằng sự dè dặt của Ấn Độ phản ánh tâm lý chung của công luận: Bắc Kinh không thực sự quan ngại về Ấn Độ, nhưng Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng Washington đã không thể hỗ trợ Ấn Độ như cam kết.

Thông điệp của Trung Quốc

"Trung Quốc muốn cho Ấn Độ thấy rằng nước Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy, qua đó chia rẽ quan hệ của Delhi và Washington", cựu Ngoại trưởng Kanwal Sibal nhận định.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp người đồng cấp Ấn Độ bên lề cuộc họp ngoại trưởng các nước G7 tại Anh hôm 3/5. Ảnh: Reuters.

Tờ Global Times - do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn - đã chỉ trích việc Mỹ không thể cung cấp viện trợ cho Ấn Độ, và cho rằng Mỹ không phải là đối tác tin tưởng của Ấn Độ. Trước đó, hai nước đã xây dựng quan hệ gần gũi hơn để chống ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

Quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ cũng đã xấu đi nhanh chóng, sau các xung đột về biên giới diễn ra giữa hai nước tại các cao nguyên. Vì thế, cựu quan chức ngoại giao Ashok Sajjanhar cho biết Delhi phải cân nhắc rất kỹ.

"Trong một nền dân chủ, chính quyền phải cân nhắc ý kiến của nhân dân. Nếu Ấn Độ chấp nhận sự trợ giúp từ Trung Quốc, nước này sẽ rơi ngay vào bẫy của Trung Quốc. Trung Quốc luôn tìm cách thống trị về mặt địa chính trị, và việc giúp đỡ Ấn Độ sẽ giúp truyền tải tầm nhìn đó", ông nói.

Bài toán viện trợ Trung Quốc

Hiện Ấn Độ đã nhận được hàng cứu trợ từ nhiều nước, bao gồm Singapore, Mỹ, Israel và Nga. Tuy nhiên, nước này tiếp tục phớt lờ đề nghị hỗ trợ từ Trung Quốc.

Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã nhắc lại đề nghị hỗ trợ Ấn Độ của Trung Quốc. Khi được hỏi về việc hãng hàng không Tứ Xuyên của chính phủ Trung Quốc có tiếp tục chuyên chở vật tư y tế cho các công ty tư nhân Ấn Độ hay không, ông Uông nói đó là việc của các công ty.

Các kỹ thuật viên Nga dỡ các bồn chứa oxy viện trợ cho Ấn Độ tại sân bay Netaji Subhas Chandra Bose, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Hãng hàng không Tứ Xuyên cho biết rằng họ đang thảo luận các kế hoạch để đảm bảo việc chuyên chở hàng hòa trong khu vực.

Cựu Ngoại trưởng Sibal cho rằng việc nhận nguyên liệu sản xuất vaccine từ Trung Quốc không gây hại cho Ấn Độ, vì thực tế là hai bên vẫn tiếp tục trao đổi hàng hóa với giá trị lớn.

Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế, có trụ sở tại Hàn Quốc, cho rằng Ấn Độ nên nhờ Trung Quốc hỗ trợ các hàng hóa thiếu hụt nghiêm trọng. Mặc cho việc Ấn Độ là một nước sản xuất vaccine hàng đầu và New Delhi đã chi nhiều hơn cho việc tăng sản lượng, như cầu của thị trường trong nước này vẫn vượt xa nguồn cung.

Ông Kim cho rằng hai nước nên học hỏi điển hình của Mỹ và Liên Xô, khi hai nước bỏ qua các xung đột thời Chiến tranh Lạnh để diệt trừ bệnh thủy đậu và bại liệt.

"Đây là cơ hội để những người hàng xóm giúp đỡ nhau. Tôi nghĩ điều đó sẽ có lợi, không chỉ vì việc kiểm soát đại dịch, mà nó còn tạo cơ hội bỏ qua mối thâm thù", ông Kim nói thêm.

Nước Mỹ vào thế khó

Trong vài tuần qua, Ấn Độ đã kêu gọi Mỹ giải phóng hơn 100 triệu vaccine AstraZeneva - vốn chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Nhiều tỷ phú Mỹ gốc Ấn Độ, trong đó có tỷ phú Vinod Khosla, đã vận động để đưa vaccine đến Ấn Độ.

New Delhi cũng kêu gọi bãy bỏ lệnh cấm xuất khẩu 37 nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất vaccine.

Sau một thời gian im lặng, Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố hỗ trợ Ấn Độ với hàng loạt nhu yếu phẩm y tế, cũng như hỗ trợ về tài chính cho việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Một số nhà phân tích nói Mỹ chỉ đang muốn cứu vãn tình hình, vì Washington nhận thức Ấn Độ là "người bạn duy nhất có thể kiểm soát Trung Quốc ở châu Á đầy biến động", một quan chức tại Delhi nói với điều kiện ẩn danh.

Một liều vaccine AstraZeneca. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhà quan sát tin rằng hành động có phần chậm trễ của Mỹ phần nào thể hiện thế khó của nước này. Mỹ không thể nhanh chóng thay đổi các quyết định của họ, trong khi nếu không hỗ trợ Ấn Độ, quan hệ giữa Washington và New Delhi sẽ xấu đi nhanh chóng.

Điều đó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đã đặt hợp tác với Ấn Độ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một rạn nứt như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu rất nhiều chính sách của ông Biden ở khu vực.

Sibal chỉ ra rằng, tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua của nhóm "Bộ Tứ", các bên liên quan đã cam kết làm việc chung để chống đại dịch Covid-19. Ấn Độ đề nghị sẽ sản xuất một tỷ liều vaccine, Mỹ cam kết cung cấp công nghệ, Nhật cung cấp tài chính và Australia tham gia vào việc giao hàng.

"Việc chính quyền Biden không giúp Ấn Độ sản xuất vaccine có thể bị xem là lập lờ, và qua đó làm giảm uy tín của nước này với tư cách một nhà lãnh đạo toàn cầu, ông Sibal bình luận thêm.

Nguồn Zing

Tin liên quan