Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Khiêm: FLC và nhà đầu tư… muốn tồn tại, phải bắt tay!
Các cổ đông, nhà đầu tư phải chia sẻ với Tập đoàn FLC. Họ không còn cách nào khác, muốn tồn tại phải bắt tay cũng doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.
Đây là trao đổi của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi được PV Báo Tri thức và Cuộc sống hỏi về vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC bị khởi tố.
Lời ăn lỗ chịu… không thể kiện, đòi ai bồi thường
Phân tích ở góc độ các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, hành vi của ông Trịnh Văn Quyết và việc ông này bị khởi tố để điều tra sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ đã tham gia tìm hiểu các giải pháp kinh doanh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và đã đầu tư thì khi xảy ra rủi ro, theo quy định, các nhà đầu tư cũng phải chịu một phần ảnh hưởng.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm
“Các cổ đông, nhà đầu tư phải chia sẻ với Tập đoàn FLC. Họ không còn cách nào khác, muốn tồn tại phải bắt tay cũng doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này. Nguyên tắc góp cổ đông là lời ăn lỗ chịu, có lãi thì được chia, lỗ thì phải chịu. Do đó, việc chia sẻ với doanh nghiệp là rất cần thiết, đừng để tâm lý đám đông mà tự hại chính mình khi quay lưng. Nhà đầu tư không thể kiện ai được, không thể bắt ai bồi thường được”, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nêu ý kiến.
Vị nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, sau khi xảy ra sự việc trên, Tập đoàn FLC phải đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, nhà đầu tư.
“FLC phải làm rõ ràng số tiền mà ông Quyết hưởng lợi, đi đâu làm gì để quản lý lại và giữ cho doanh nghiệp không bị rủi ro nhiều và phải đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Đồng thời, có phương án, phương hướng mới trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh để giúp các cổ đông yên tâm và bớt rủi ro”, ông Kiêm nói.
Ông Trịnh Văn Quyết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, để chấn an các nhà đầu tư, Hội đồng Quản trị và ban lãnh đạo Tập đoàn FLC phải có người đứng ra để cầm trịch lại, điều hành FLC để ảnh hưởng ít nhất đến quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư. Đồng thời, ban lãnh đạo Tập đoàn phải có hành động ngay để giữ vững điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và có trách nhiệm với những nhà đầu tư, để giảm thiểu những thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Tập đoàn phải có những giải pháp xử lý khủng hoảng
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - người quản lý, lãnh đạo của tập đoàn bị khởi tố, tạm giam, Ban lãnh đạo Tập đoàn này cần họp lại để bố trí phân công công việc, lựa chọn người thay thế. Đồng thời, cần phải đưa ra những giải pháp để xử lý khủng hoảng truyền thông, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, các đối tác, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
“Sự việc này cơ quan chức năng chưa kết luận đúng sai, tuy nhiên những nghi ngờ cũng như là những dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức cơ quan chức năng phải khởi tố vụ án hình sự cũng sẽ là bài học đối với tập đoàn này cũng như đối với các doanh nghiệp khác nói chung để đảm bảo lành mạnh thị trường chứng khoán”, luật sư Cường cho hay.
Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, lối thoát cho FLC và các nhà đầu tư cùng có lợi là bình tĩnh, không hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu, không được gây tiêu cực tới thị trường chứng khoán vì “đoàn kết sẽ được hết”.
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nguyen-thong-doc-nhnn-cao-sy-khiem-flc-va-nha-dau-tu-muon-ton-tai-phai-bat-tay-1682128.html