Nhiều cách làm sai lầm của phụ huynh khiến trẻ mắc tay chân miệng trở nặng

Theo các bác sĩ, mặc dù tay chân miệng không phải là bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm của phụ huynh trong cách chăm sóc khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nặng thêm.

Dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, số ca khám bệnh tay chân miệng ngoại trú tại bệnh viện đã lên đến 497 ca và nội trú là 40 ca, trong khi cùng thời điểm tháng 4 chỉ có 61 ca điều trị ngoại trú và 9 ca nội trú. Điều này chứng tỏ lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao.

Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hữu nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các loại dịch bệnh khác.

Số ca mắc tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ước tính khoảng 40% bệnh nhi tại khu vực TP Hồ Chí Minh, còn lại rải rác ở các tỉnh, thành lân cận. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân; thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống của trẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ ngày 29/4 đến ngày 5/5, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 420 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 378 ca điều trị ngoại trú và 42 ca nội trú, tăng 136,4% so với trung bình 4 tuần trước đó (trong đó số ca ngoại trú tăng 325,9% và nội trú tăng 75%). Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đặc biệt là ở Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình và thành phố Thủ Đức.

ThS.BS Nguyễn Đình Qui, phụ trách điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định: Số ca mắc tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng cao trong 1-2 tuần tiếp theo. Hiện tại, tỷ lệ nhập viện hầu hết ở mức độ nhẹ, còn mức độ 2B (mức độ nặng) chỉ chiếm khoảng 5-6%.

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra, thường xảy ra ở lứa tuổi nhà trẻ. Trẻ bị tay chân miệng có các biểu hiện như sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông... nếu không quan sát kỹ, có thể nhầm lẫn với các bệnh phát ban hay thủy đậu.

Trẻ cần được theo dõi sát, để xử trí kịp thời những biến chứng xảy ra.

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và bệnh tay chân miệng chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có. Đối với những trường hợp nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, an thần… Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi sát để xử trí kịp thời những biến chứng có thể xảy ra. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71 thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi… nếu không xử trí kịp thời.

Nhiều ngộ nhận sai lầm của cha mẹ

Theo ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, mặc dù tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều ngộ nhận sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc con, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Chẳng hạn như nhiều cha mẹ khi thấy con nổi mụn nước, vẫn theo thói quen cũ là sử dụng thuốc xanh Methylen vô tình che lấp các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ và khó theo dõi tình trạng bệnh. Bởi vì chẩn đoán tay chân miệng là nhìn những tổn thương ở trong miệng và ngoài da chứ không xét nghiệm. Đặc biệt, một số gia đình bôi những loại cây cỏ, lá cây hoặc những loại thuốc trôi nổi mà mình không biết được thành phần, cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh quan niệm khi trẻ bị tay chân miệng càng ủ trẻ, hạn chế tắm rửa để trẻ ra ban càng nhiều thì sẽ càng mau lành. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai, bởi nếu ủ trẻ nhiều quá trẻ sẽ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo. Trong khi chăm sóc trẻ tay chân miệng cần giữ cho các nốt ban thoáng sẽ mau lành hơn và không để lại sẹo.

Phụ huynh cũng thường nghĩ con mình ở nhà thì không thể nào bị bệnh tay chân miệng được, nhưng theo các bác sĩ, tay chân miệng có thể lây qua trung gian người chăm sóc. Trẻ không đi nhà trẻ vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn. Hay quan niệm chỉ có những trẻ nhỏ mới bị tay chân miệng là không đúng. Tay chân miệng đa số chỉ gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt những trẻ dưới 3 tuổi nhưng thực tế, người lớn vẫn có thể bị và trẻ lớn vẫn có thể bị tay chân miệng. Thậm chí, nhiều trẻ lớn mắc tay chân miệng cũng có thể gặp biến chứng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn…

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui lưu ý: "Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám khi phát hiện các biểu hiện của bệnh. Nếu nhẹ sẽ được các bác sĩ điều trị ngoại trú, tránh để diễn tiến nặng. Vì nhập viện trễ sẽ có những biến chứng khó lường như viêm não màng não, viêm cơ tim tối cấp dễ dẫn đến nguy cơ tử vong trong khoảng 24 giờ nếu không kịp thời can thiệp".

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo: Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.

Nguồn: https://baotintuc.vn/y-te/nhieu-cach-lam-sai-lam-cua-phu-huynh-khien-tre-mac-tay-chan-mieng-tro-nang-20220516173320440.htm

Tin liên quan