Những bài học ứng phó với COVID-19 từ đại dịch cúm Tây Ban Nha 100 năm trước

Thế giới đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá trong việc ứng phó với COVID-19 từ đại dịch cúm Tây Ban Nha. Ảnh: BBC

Cách đây khoảng hơn 100 năm trước, khi vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh giết chết khoảng 20 triệu người, thế giới lại phải bước vào với một cuộc chiến thậm chí còn nguy hiểm hơn – đó là một đại dịch cúm.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha được cho là bắt nguồn từ các trại huấn luyện quân sự chật chội và đông đúc ở mặt trận phía Tây nước này. Điều kiện sống mất vệ sinh, đặc biệt tại các chiến hào dọc biên giới Pháp, đã khiến virus ủ bệnh và sau đó lan rộng. Chiến tranh Thế giới thứ 1 kết thúc vào tháng 11/1918, nhưng khi những người lính trở về nhà, họ không biết rằng mình đã mang theo mầm bệnh và bắt đầu lây lan dịch bệnh trên khắp nơi trên thế giới, khoảng 50 triệu đến 100 triệu người đã tử vong vì dịch bệnh này.

Đại dịch cúm đã qua đi hơn 1 thế kỷ, giờ đây, loài người tiếp tục phải đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đang lan rộng trên toàn cầu khiến ít nhất hơn 90.000 người thiệt mạng. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang áp dụng các biện pháp điều trị cũng như cách phòng chống dịch lây lan được đúc rút kinh nghiệm từ một trong những căn bệnh tàn khốc nhất lịch sử này.

Nhiều người tử vong vì COVID-19 đang phải trải qua một dạng bệnh viêm phổi khiến hệ thống miễn dịch suy yếu do phải chống lại virus. Căn bệnh này tương tự với bệnh cúm Tây Ban Nha, mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn nhiều lần.

Rất ít khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Khi dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra, ngành du lịch hàng không vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Tuy nhiên, vẫn có rất ít khu vực trên Trái Đất thoát khỏi tác động khủng khiếp của đại dịch này. Hành trình lây nhiễm của dịch bệnh trên khắp thế giới diễn ra chậm hơn thông qua tàu hơi nước, tàu chở khách thay vì máy bay. Một số khu vực đã phải chiến đấu ngăn chặn dịch bệnh trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm khi dịch cúm này xảy ra và gây ra thiệt hại khủng khiếp.

COVID-19 mặc dù đang thu hút sự chú ý của công chúng nhưng tỷ lệ tử vong ít hơn đáng kể so với đại dịch cúm Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images

Nhiều biện pháp cơ bản vẫn đang được áp dụng sau 100 năm khi xảy ra đại dịch. Tại bang Alaska (Mỹ), một cộng đồng trên Vịnh Bristol đã vô tình thoát khỏi dịch cúm khi họ đóng cửa trường học, cấm các cuộc tụ họp đông người và phong tỏa lối vào làng từ con đường chính. Hạn chế đi lại là một biện pháp ngăn chặn dịch không sử dụng công nghệ cao nhưng cũng đã được áp dụng ở một số khu vực ngày nay, chẳng hạn như tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, miền Bắc Italy hay nhiều quốc gia khác trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 hiện tại.

Phân loại đối tượng nhiễm bệnh

Các bác sĩ đã mô tả đại dịch cúm Tây Ban Nha là “một vụ thảm sát y tế lớn nhất trong lịch sử”. Không chỉ bởi căn bệnh đã khiến nhiều người tử vong mà còn do rất nhiều nan nhân của dịch bệnh này là những người trẻ và khỏe mạnh.

Thông thường, hệ thống miễn dịch tốt có thể đối phó tốt với bệnh cúm, nhưng tiến trình phát triển bệnh xảy ra quá nhanh đến nỗi nhanh chóng phá hủy hệ thống miễn dịch, gây ra phản ứng quá mức được gọi là “hội chứng bão cytokine” khiến các phân tử protein được tiết ra từ tế bào của hệ thống miễn dịch bị hủy hoại và gây tổn thương phổi.

Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, người già được xác định không phải là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh, có lẽ vì họ đã tồn tại qua một chủng cúm rất giống nhau bắt đầu lây lan qua các quần thể người vào những năm 1830.

Tuy nhiên, với COVID-19, người già và người mắc bệnh trước đó được coi là có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, tuy nhiên những người trên 80 tuổi lại là những người có nguy cơ tử vong cao nhất.

Tập trung phòng ngừa lây lan cộng đồng

Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã bùng phát khi thế giới vừa bước ra khỏi một cuộc chiến toàn cầu, ý tưởng thiết lập một hệ thống y tế công cộng đã được triển khai từ thời kỳ đầu của dịch bệnh tại nhiều khu vực. Trước đó, chỉ có tầng lớp trung lưu hoặc những người giàu có mới có thể đến đi khám tại các bệnh viện.

Dịch cúm đã giết chết nhiều người sống trong các khu ổ chuột và các khu vực đô thị nghèo khác, thường là những người có chế độ kém dinh dưỡng, vệ sinh không đảm bảo và những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Trong đợt dịch cúm Tây Ban Nha, nhu cầu sử dụng khẩu trang cũng gia tăng đáng kể. Ảnh: Getty Images

Tại thời điểm đó, các nhà khoa học và chính phủ nhận ra đại dịch sẽ lây lan nhanh hơn nếu không thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống y tế công cộng trên khắp thế giới

Không thể điều trị cho tất cả mọi người khi mọi nguồn lực đều thiếu thốn trầm trọng, để đối phó với đại dịch ở các khu vực đô thị, chính phủ đã thực hiện cách ly những người có triệu chứng nhiễm bệnh, những trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng hơn và yêu cầu người dân hạn chế đi lại.

Hiện nay, các biện pháp y tế cộng đồng này vẫn được các quốc gia trên toàn thế giới áp dụng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đây cũng được coi là một trong những biện pháp có hiệu quả lâu dài nhất trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.


Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN

Tin liên quan