Sau AUKUS, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?
Tuyên bố về AUKUS có lẽ chỉ là khởi đầu, chứ không phải là kết thúc, để Mỹ cải thiện các cam kết về kinh tế và quân sự với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố về thỏa thuận AUKUS là bước ngoặt đối với Australia, Vương quốc Anh và Mỹ. Nhà phân tích Zack Cooper thuộc viện American Enterprise từ nhiều năm qua đã cho rằng Australia nên có tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, vì thế ông cho rằng, thỏa thuận với Anh và Mỹ không phải là điều bất ngờ, nhưng đây vẫn là bước đi mang tính đột phá. Dù sự kiện được tổ chức trực tuyến, cơ chế này và các cơ chế khác đi kèm không chỉ giúp ích cho phòng thủ của chính Australia mà còn giúp ổn định và tác động đến cán cân quân sự ở châu Á, đồng thời trấn an một số quốc gia trong khu vực về cam kết của Mỹ.
Ảnh: Shutterstock
Dù vậy, kể từ sau khi công bố thỏa thuận AUKUS, phần lớn chú ý của dư luận tập trung vào nỗi thất vọng của Pháp hơn là những bước đi tiếp theo được xây dựng trên thỏa thuận này. Cũng không ai đặt câu hỏi nào về việc các nhà hoạch định chính sách ở Washington, Canberra và London cần phải thực hiện chính sách ngoại giao thận trọng với Paris trong những ngày tới.
Những tranh cãi về AUKUS đã khiến người ta ít để ý đến những bước đi chiến lược lớn hơn. Dưới đây là 5 động thái Mỹ có thể tận dụng từ thỏa thuận AUKUS.
Thiết lập diễn đàn 3 bên với Indonesia
Về lâu dài, bên thứ 3 chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ AUKUS có lẽ là Indonesia. Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ đem lại cho Australia khả năng giám sát các nút cổ chai hàng hải quan trọng quanh quần đảo Indonesia.
Nếu có thể thiết lập một diễn đàn 3 bên với Indonesia, điều này có thể thắt chặt hợp tác giữa Canberra với Jakarta và gia tăng an ninh của cả 2 nước. Nếu không, đó sẽ là điều gây khó chịu không chỉ trong quan hệ giữa Australia với Indonesia, mà còn cả các mối quan hệ của Mỹ [với Indonesia].
Do đó, Mỹ và Australia sẽ nhanh chóng thiết lập một diễn đàn 3 bên với Indonesia. Điều này có thể giúp trấn an Jakarta rằng Washington và Canberra sẽ sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự tham vấn và vì lợi ích của Indonesia. Sau cùng, sự kiện công bố AUKUS vừa qua cho thấy cần phải tiếp cận sớm và thận trọng với các bên có quan ngại.
Thúc đẩy các khả năng của AUKUS và bước chuyển tình thế
Trở lại Australia, có một cơ hội để tăng tốc thực hiện các khả năng mới. Australia muốn một hệ thống chế tạo nội địa, nhưng cần các tàu ngầm mới trước khi chúng được sản xuất theo dự kiến vào giữa những năm 2030. Một lựa chọn thay thế là đi thẳng đến một thiết kế đáng tin cậy đã chứng minh được hiệu quả như tàu ngầm lớp Virginia và thuê một số tàu khác của Mỹ.
Điều này có thể đòi hỏi tăng thêm công suất cho dây chuyền sản xuất tàu lớp Virginia hiện nay, nhưng đó lại là điều mà Mỹ nên làm. Với ngân sách khổng lồ, Mỹ có thể sản xuất 3 tàu lớp Virginia mỗi năm và hoàn toàn có thể cho Australia thuê một vài tàu trước cuối thập kỷ này.
Thủy thủ đoàn người Mỹ và người Australia có thể huấn luyện cùng nhau trên đội tàu này, cho phép Australia có thể sớm thực hiện các chiến dịch tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Mỹ sẽ có nhiều kinh nghiệm triển khai hoạt động từ HMAS Stirling ở Perth, Australia. Lựa chọn này được xem như một phương án “hợp tác cùng thắng”.
Xem xét chia sẻ B-21 với Australia
Vài tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ không đủ để giám sát tất cả mọi mục tiêu của Australia. Tuy nhiên, trong tuần trước, Không quân Mỹ xác nhận 5 máy bay ném bom B-21 hiện đang được chế tạo tại Mỹ. Những chiếc máy bay này sẽ vận hành trên bầu trời khi các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động dưới nước – đem lại khả năng giám sát tầm xa cũng như khả năng không kích.
Mặc dù việc chia sẻ công nghệ sẽ là vấn đề thách thức, nhưng Mỹ và Australia đã chứng tỏ họ có thể vượt qua những khó khăn này với những công nghệ quân sự nhạy cảm nhất hiện có.
Bối cảnh hiện nay gợi lại thương vụ Australia mua F-111 cách đây 50 năm – đây cũng là một động thái khôn ngoan của 2 quốc gia đồng minh.
Cùng phát triển tên lửa phóng từ mặt đất với Nhật Bản
Một số người đặt câu hỏi vì sao các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á không được tham gia vào thỏa thuận AUKUS. Tuy nhiên, những nước này có nhu cầu rất khác với Australia. Ví dụ, Tokyo, không muốn các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng nước này lại muốn hợp tác sâu hơn về các năng lực tấn công tầm xa. Ở khía cạnh này, Nhật Bản và Mỹ có thể cùng phát triển tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa phóng từ mặt đất.
Việc cùng phát triển một hệ thống như vậy sẽ giúp thắt chặt quan hệ liên minh Mỹ-Nhật theo cách tương tự như tàu ngầm hạt nhân giúp ích cho quan hệ đồng minh Mỹ-Australia.
Đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán thương mại
Chẳng có gì ngạc nhiên khi phản ứng của Trung Quốc đối với việc công bố thỏa thuận AUKUS không phải về mặt quân sự mà là về kinh tế. Trong vòng 24 giờ, Bắc Kinh đã chính thức xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Giờ đây, sức ép đang trở lại với phía chính quyền Biden và họ cần làm điều gì đó trong vấn đề thương mại. Nếu việc Trung Quốc tìm cách gia nhập CPTPP không thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo Mỹ phải hành động trong vấn đề thương mại, thì dường như chẳng điều gì có thể.
Theo nhà nghiên cứu Zack Cooper, AUKUS là một cuộc chạy đua ghi điểm, vì thế sẽ là sự ê chề nếu Washington để Bắc Kinh cướp mất điểm./.
Nguồn: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/sau-aukus-my-se-lam-gi-tiep-theo-893824.vov