Sẽ xử lý nghiêm trường tuyển vượt chỉ tiêu

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe; các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường.

Với các trường Bộ GD&ĐT không xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, việc xác định ngưỡng này đối với tổ hợp xét tuyển khi sử dụng kết quả ba bài/môn thi, hai bài/môn thi, một môn thi của kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với các điều kiện khác để xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên và các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề cần bảo đảm:

Thứ nhất, với tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả ba bài/môn thi: Tổng điểm ba bài/môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) theo thang điểm 10. Với tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả hai bài/môn thi: Tổng điểm hai bài/môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) nhân 2/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), tối thiểu bằng ngưỡng ba bài trên môn thi nhân 2/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân). Nếu sử dụng kết quả một môn thi: Điểm môn thi cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) nhân 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), tối thiểu bằng ngưỡng 3 bài/môn thi nhân 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân).

Các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2019 sẽ bị xử lý tùy mức độ. Ảnh: Khánh Huy

Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của trường. Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 25 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.

Các trường công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có), cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu và đúng thời gian quy định.

Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTr về việc thanh tra công tác tuyển sinh ĐH năm 2019. Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT thành lập sẽ tiến hành thanh tra bắt đầu từ ngày 1-8-2019.

Theo đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra 4 trường ĐH gồm: trường ĐH Nội vụ Hà Nội; trường ĐH Lâm nghiệp; trường ĐH Hùng Vương TP HCM và trường ĐH Bạc Liêu.

Nội dung thanh tra tập trung vào việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh của trường; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; việc tổ chức tuyển sinh. Thời gian thanh tra kéo dài 30 ngày kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.

Trước đó, nhiều trường ĐH, phân hiệu trường ĐH trên cả nước công bố mức điểm sàn xét tuyển đầu vào năm học 2019 thấp, có những trường ĐH lấy mức điểm sàn thấp dưới 14 điểm.

Theo thông báo của trường ĐH Lâm nghiệp, điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2019 của trường này ngoài ngành Công nghệ vật liệu, Công nghệ sau thu hoạch: 18,0 điểm và ngành Chăn nuôi 17,0 điểm thì các ngành còn lại lấy từ 13,0 điểm... trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ của trường dao động 13,0 đến 17,0 điểm. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12,0; 12,5; 13,0 điểm và hai ngành Lưu trữ học và Luật có tổ hợp xét tuyển lấy từ 14,0 điểm.

Còn trường ĐH Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc ĐH năm nay có điểm sàn xét tuyển 13,0 điểm riêng hai ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12,0 điểm.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng: Đối với số ít trường xác định điểm sàn thấp, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Bộ GD&ĐT sẽ định hướng, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, bà Phụng cũng nhấn mạnh: Các trường ĐH cố tình vi phạm các quy định chung về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, cấm tự chủ tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo, bị xử phạt hành chính; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, bị phạt hành chính, hình sự... tùy theo mức độ vi phạm.


Nguồn: Báo PL&XH

Tin liên quan