Số ca Covid-19 ở TP.HCM tăng có bất thường?
Theo chuyên gia, việc gia tăng số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM trong giai đoạn này là điều dễ hiểu. Điểm sáng là thành phố đã đạt tỷ lệ phủ vaccine rất cao.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, số lượng ca F0 tăng trở lại, nhiều ổ dịch cộng đồng bùng phát. Trong tuần qua, thành phố có 3 quận, huyện tăng cấp độ dịch, trong đó 2 địa bàn chuyển vùng cam (cấp 3) là Nhà Bè và Cần Giờ.
TP.HCM có thể kiểm soát được số ca nhiễm mới
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mọi thay đổi liên quan chuyển biến dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đều là vấn đề đáng quan tâm.
Tuy nhiên, ông cho rằng số F0 ở TP.HCM tăng và xuất hiện một số ổ dịch nhỏ là điều không quá lo ngại.
"Chúng ta xác định sống chung và thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19, nghĩa là đã xác định số ca nhiễm mới có thể tăng lên. Còn số lượng tăng cao ở mức độ nào thì tùy thuộc vào sự kiểm soát của thành phố", PGS Dũng nói.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM kiểm tra thực tế nơi bệnh nhân Covid-19 cách ly ở khu nhà trọ tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HCDC.
Chuyên gia này cho rằng khi mở cửa kinh tế, thành phố cũng đã tính toán trước khả năng này và chuẩn bị kịch bản đối phó trong từng tình huống dịch cụ thể.
Không riêng TP.HCM, nhiều quốc gia trên thế giới sau khi mở cửa kinh tế cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng. Ông dẫn chứng trước đó, Đức kiểm soát dịch khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong khoảng một tuần qua, quốc gia này ghi nhận tỷ lệ ở mức 200 ca/100.000 người/tuần.
Tương tự ở Việt Nam, chuyên gia này tính toán trung bình 7 ngày qua, số lượng F0 cũng dao động 70-80 ca/100.000 người/tuần. Do đó, ông nhận định TP.HCM có thể kiểm soát tương đối tốt các cụm lây nhiễm này và duy trì sự an toàn ở cấp độ 2.
"Điều quan trọng nhất là ca bệnh nặng không tăng"
Chia sẻ thêm về tình hình TP.HCM trong những ngày qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết một số người nghi ngờ hiệu quả của vaccine khi số ca F0 ở TP.HCM tăng, điều này hoàn toàn sai lầm.
Ông phân tích: "Covid-19 cũng tương tự các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong cộng đồng hiện nay. Do đó, tiêm vaccine Covid-19 là để cộng đồng ít bệnh chứ không phải hết lây, để không bệnh nặng chứ không phải không còn người sốt, ho, sổ mũi".
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phủ tốt đơn thuần cũng không thể đạt miễn dịch cộng đồng bền vững, vì không bao giờ có vaccine nào giúp đạt miễn dịch cộng đồng 100%. Do đó, vaccine phòng Covid-19 được tiêm nhiều, đủ cho người nguy cơ, thành phố cần mở cửa để khôi phục kinh tế và tạo thêm miễn dịch cộng đồng.
Chuyên gia này kết luận: "Khi vaccine đã được tiêm đủ, thêm người mắc bệnh nhưng không ai hoặc ít người bệnh nặng thì càng có miễn dịch cộng đồng bền vững".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nói thêm tình hình dịch ở TP.HCM đã không ở giai đoạn như trước.
"Trước đây, tỷ lệ tiêm vaccine ở TP.HCM thấp, biến chủng Delta khiến một ca nhiễm có thể lây lan hàng loạt người khác như lửa cháy trong củi khô. Còn sau khi phủ vaccine cao, Covid-19 không còn lây lan nhanh, tỷ lệ bệnh nặng cũng giảm, đám lửa kia cũng cháy yếu dần", ông lý giải.
Nguồn: https://zingnews.vn/tphcm-bung-phat-nhieu-o-dich-covid-19-co-bat-thuong-post1276211.html