Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Chuẩn bị từ hôm nay

Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2024 và từ năm 2025 trở đi vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xác định mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao chất lượng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Mong sớm có thông tin

Ngay sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1 mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng năm 2022, Bộ GDĐT đã thông tin công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Dẫu vậy, về phía các trường vẫn còn những lo ngại từ thực tế trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2022, Bộ đã liên tục thay đổi các chi tiết khiến các trường và thí sinh đều bối rối, mệt mỏi. Đơn cử như việc các trường đã công bố đề án tuyển sinh từ sớm, thực hiện xét tuyển sớm ở một số phương thức nhưng sau đó phải hủy bỏ và mất thời gian giải quyết những rắc rối phát sinh do việc lọc ảo chung của Bộ GDĐT.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT cho biết Bộ đang xem xét không thực hiện xét tuyển ĐH sớm trong năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển ĐH, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.

Bộ GDĐT cho biết sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh ĐH năm 2023 song sẽ tăng cường giải pháp về mặt kỹ thuật. Bộ cũng sẽ nâng cấp hệ thống lọc ảo chung, nhằm giảm sai sót, nhầm lẫn.

Đại diện các trường đều bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm công bố các thay đổi vì thay đổi dù chỉ là kỹ thuật cũng sẽ tác động rất lớn với thí sinh và các trường. Cụ thể, các trường sẽ thuận lợi xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo đúng hướng, tránh công bố rồi lại phải điều chỉnh. Đặc biệt, việc công bố sớm cũng giúp công tác tuyển sinh của các trường ĐH không bị chậm trễ như năm 2022, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trong năm học.

Trong báo cáo, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường ĐH rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển. Trước đó, năm 2022, các trường đưa ra hơn 20 phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh gây nhầm lẫn khi đăng ký.

Lộ trình năm 2025

TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, để tạo thuận lợi cho các trường, Bộ GDĐT cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025 theo hướng hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành và tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh. Cùng với đó, Bộ GDĐT cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về phía Bộ GDĐT không chỉ đề nghị các trường sớm hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành mà còn cân nhắc định hướng tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.

Trước mắt, Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực để đảm bảo sự đồng bộ, nâng chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một trong những thay đổi rõ nét đó là Bộ GDĐT sẽ đẩy mạnh hơn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi. Vì vậy, các trường cũng cần chủ động hướng dẫn thí sinh để các em tránh bị động, lúng túng và mắc sai sót như mùa tuyển sinh 2022 khi lần đầu triển khai đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, dự kiến thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức. Hệ thống chung sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp, đạt điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách xét tuyển.

Nguồn: daidoanket.vn

Tin liên quan