Thổ Nhĩ Kỳ gây khó, giấc mơ NATO của Phần Lan và Thụy Điển khó thành?
Giấc mộng gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đang trở nên bấp bênh khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục từ chối đàm phán gia nhập tư cách thành viên của các nước này.
Thụy Điển và Phần Lan chính thức phá vỡ quy chế trung lập tồn tại nhiều năm tại các quốc gia này sau khi nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 15/5. Thế nhưng, chặng đường hiện thực hóa giấc mộng NATO của 2 nước Bắc Âu có lẽ sẽ không diễn ra nhanh chóng như những gì họ mong muốn.
Theo quy định của NATO, một quốc gia chỉ có thể chính thức được kết nạp nếu như nhận được sự đồng ý từ tất cả các nước thành viên trong khối. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối kế hoạch kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu này. Theo đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông sẽ không chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO.
Loạt rào cản
Tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rõ ràng khiến các nước NATO “đứng ngồi không yên”. Phương Tây lo ngại Ankara sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để cản trở quá trình phê duyệt nhanh chóng mà NATO đã cam kết với Phần Lan và Thụy Điển. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan mô tả Thụy Điển và Phần Lan là "trung tâm ươm mầm cho các tổ chức khủng bố”.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Cụ thể hóa tuyên bố của mình, Thổ Nhĩ Kỳ chặn cuộc đàm phán về tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, chỉ vài giờ sau khi 2 nước Bắc Âu nộp đơn. Theo đó, hôm 18/5, đại diện của các quốc gia thành viên của liên minh quân sự NATO đã tập hợp để tìm cách mở cuộc đàm phán về việc 2 nước Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập song đại diện Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn nỗ lực đàm phán, nói rằng Ankara vẫn cần làm việc về một số vấn đề.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nêu điều kiện để Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết, hai nước này phải ngừng hỗ trợ các nhóm đối lập đang bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi muốn trở thành thành viên của NATO.
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, sự phản đối với Phần Lan và Thụy Điển cũng đang âm ỉ trong lòng NATO. Croatia được cho sẽ là quốc gia tiếp bước Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận đơn gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu. Theo đó, hôm 18/5, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic nói rằng ông sẽ chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo - đại diện thường trực của nước này tại NATO, ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.
Chưa hết, ngoài sự bất đồng trong nội bộ NATO, phản ứng của Nga đối với tiến trình Thụy Điển và Phần Lan có lẽ là điều khiến khối này quan tâm nhất. Bởi vì Nga nhiều lần tuyên bố, coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa. Trong khi liên minh quân sự này đang làm ngược lại với những cảnh báo từ Moskva, tiếp tục dang rộng cánh tay, kết nạp thêm các thành viên mới.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng Moskva đang nhận được điều ngoài mong muốn từ NATO sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Nga viện dẫn cho hành động quân sự này là lo ngại sự mở rộng của NATO, muốn liên minh quân sự này rút quân khỏi các quốc gia thành viên đã tham gia khối này kể từ năm 1997.
Mới đây, phản ứng trước quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva "không có vấn đề gì" với Stockholm hoặc Helsinki và việc họ gia nhập NATO "không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga".
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO vào lãnh thổ Thụy Điển hoặc Phần Lan chắc chắn sẽ buộc chúng tôi phải đáp trả”, và phản ứng của Nga “sẽ dựa trên những mối đe dọa đối với chúng tôi".
Thụy Điển và Phần Lan một khi gia nhập NATO sẽ gia tăng mối đe dọa với Nga, chắc chắn Moskva sẽ không ngồi yên. Trước khi Phần Lan, Thụy Điển công bố ý định gia nhập NATO, Nga cho rằng điều này sẽ phá vỡ thế cân bằng trong khu vực và Moskva sẽ đáp trả bằng các biện pháp kỹ thuật - quân sự, trong đó có cả bố trí vũ khí hạt nhân đến khu vực Baltic…
Trên thực tế, các phản ứng của Nga với chủ đề này đã được cảnh báo trước. Điện Kremlin cũng cho biết, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình và phải củng cố sườn phía Tây biên giới để đảm bảo an ninh, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Vũ khí bí mật của Nga trong NATO
Giới quan sát nhận định, ảnh hưởng của Nga với Ankara có thể là một trong những yếu tố đằng sau tuyên bố từ chối hai quốc gia Bắc Âu tham gia NATO của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Kể từ khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, không giống như hầu hết các thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào trừng phạt Nga.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã trở thành nơi trú ẩn an toàn về tài chính cho giới tài phiệt Nga. Cũng cần phải nhớ rằng, Ankara từng qua mặt Washington để mua hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không S-400 của Nga. Động thái này buộc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Washington đã loại Ankara khỏi chương trình chuyển giao siêu tiêm kích tàng hình F-35.
Sau đó, giới chức Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng thương vụ S-400 với Nga có thể đe dọa an ninh NATO và gây hại hoạt động chia sẻ thông tin tình báo Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Ngoại trưởng Luxembourg Asselborn, động thái phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO của Thổ Nhĩ Kỳ một phần do nước này muốn gây áp lực để Mỹ “lật ngược” quyết định loại Ankara khỏi chương trình chuyển giao F-35. Hơn nữa, Ankara cũng muốn Washington chấp thuận yêu cầu hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng không quân bằng cách cho phép nước này mua máy bay chiến đấu F-16 mới.
Còn cựu trợ lý Tổng thư ký NATO Marshall Billingslea cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thực hiện các bước đi có lợi cho Ankara và đi ngược lại với NATO. Ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ hành động độc lập, có những quan điểm có lợi cho người Nga. Ông trích dẫn một ví dụ điển hình khi Nga tấn công Gruzia năm 2008 và Ankara đóng cửa biển Đen. Việc đóng cửa này sẽ ngăn cản các tàu hải quân Mỹ hỗ trợ Gruzia.
Trong khi đó, Theodore Karasik, chuyên gia về các vấn đề Nga và Trung Đông tại Quỹ Jamestown ở Washington, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ muốn "tránh nằm trong danh sách mục tiêu của Nga sau này”. Theo vị này, ông Erdogan muốn đưa những người tị nạn Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước của họ, và sự hợp tác của Nga là rất cần thiết vì Moskva hiện diện mạnh mẽ ở Syria.
Ông Erdogan hiện đối mặt với bài toán khó giải liên quan đến các vấn đề vận chuyển hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Nếu các cường quốc phương Tây trừng phạt tàu Nga, Ankara có thể phải đối mặt với yêu cầu đóng cửa tuyến vận tải biển quan trọng qua eo biển Dardanelles đối với ngành hàng hải của Nga.
Chưa hết, cũng có ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi trò “đu dây” khi ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Nước này muốn các quốc gia phương Tây phải nhượng bộ trước các đòi hỏi về kinh tế, chính trị và quân sự. Điều này tương tự như nỗ lực trước đây của Ankara nhằm “tống tiền” Liên minh châu Âu (EU) khi sử dụng con bài người nhập cư và người tị nạn từ Syria và những quốc gia khác từ Trung Đông và châu Phi.
Với rất nhiều lý do, Tổng thống Erdogan đang sử dụng vai trò của mình trước nguyện vọng gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển để mặc cả với các quốc gia trong khối. Mục đích cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ là vừa nhận được sự ủng hộ từ các thành viên NATO vừa không làm phật lòng Nga.
Với tình hình hiện tại, Thụy Điển và Phần Lan sẽ cần đến tiếng nói của các quốc gia khác có tầm ảnh hưởng trong NATO như Mỹ, Anh và Đức. Thực tế cho thấy sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biểu thị sự không ủng hộ, Mỹ đã lập tức thể hiện vai trò lãnh đạo khi tổ chức điện đàm với các nhà lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời kêu gọi Ankara làm rõ quan điểm.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong nỗ lực giải quyết khúc mắc về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông Blinken lưu ý rằng hai nước Bắc Âu đã nộp đơn đăng ký NATO và “tất nhiên đây là một quá trình, chúng tôi sẽ làm việc trong suốt quá trình đó với tư cách là đồng minh và đối tác”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) nhận đơn xin gia nhập từ Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff.
Cam kết ban đầu
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định Thụy Điển và Phần Lan sẽ được chào đón nồng nhiệt nếu quyết định gia nhập NATO. Theo ông Stoltenberg, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có mối quan hệ mật thiết với liên minh quân sự này bởi hai quốc gia Bắc Âu thường xuyên tập trận chung với lực lượng của NATO.
Sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn ứng cử, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về đơn xin gia nhập của hai nước này có thể kết thúc trong vòng một hoặc 2 tuần. Cam kết là vậy, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khiến nhiều người hoài nghi tính khả thi của điều này.
Trước đó, ông Stoltenberg cho biết liên minh hoan nghênh sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển. Ông khẳng định NATO sẵn sàng cung cấp đảm bảo an ninh cho hai nước từ lúc họ công bố quyết định xin gia nhập NATO đến khi đơn đăng ký được chấp thuận.
Không chỉ Tổng thư ký NATO, cả Mỹ, Anh và EU đều đưa ra cho Phần Lan và Thụy Điển “những cam kết cụ thể” về cung cấp sự đảm bảo an ninh trong khoảng thời gian nộp đơn xin gia nhập NATO cho đến khi chính thức được chấp nhận làm thành viên của khối.
Tuy nhiên cần nhớ rằng, theo quy định, Điều 5 trong Hiệp ước của NATO về phòng thủ chung chỉ có hiệu lực với các thành viên đầy đủ. Câu hỏi đặt ra giờ đây là Mỹ và các đồng minh của mình sẽ bảo vệ an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển bằng cách thức nào.
Trong bối cảnh Nga đánh đòn phủ đầu với Ukraine, NATO khó lòng dễ đưa ra quyết định dứt khoát để kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này. Quá trình 2 nước này gia nhập sẽ không thể diễn ra “một sớm một chiều”.
Cho dù kịch bản lạc quan nhất diễn ra, Phần Lan và Thụy Điển có thể ký nghị định thư gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào ngày 29-30/6 tới đây thì quá trình phê chuẩn sau khi nghị định thư có thể mất từ 3 tháng đến 1 năm tại nghị viện các nước. Bắc Macedonia - thành viên mới nhất của NATO, phải mất 13 tháng để hoàn tất quá trình này.
Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể trở thành lá bài thương lượng, mặc cả lợi ích chính trị trong nội bộ NATO. Do đó, chặng đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển tới đây sẽ còn nhiều chông gai.
Nguồn: https://vtc.vn/tho-nhi-ky-gay-kho-giac-mo-nato-cua-phan-lan-va-thuy-dien-kho-thanh-ar678664.html