Thừa Thiên – Huế: Mức đền bù đất giá 23,4 ngàn đồng/m2 bị dân phản ứng

Một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù, chưa giao đất vì cho rằng giá đất bồi thường quá thấp

Trước đó, vào ngày 21/12/2018, UBND TP Huế đã ban hành Quyết định số 6211/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện hạng mục xây dựng bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 (phường Thủy Xuân). Theo đó, phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất là 7,468 tỷ đồng. Trong đó, chi phí hỗ trợ giải tỏa 7,342 tỷ đồng, chi phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng gần 126 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thì cơ quan chức năng đền bù giá đất không hợp lý cho dân. Gia đình ông Lê Văn Nhuận (tổ 16, phường Thủy Xuân) cho biết, gia đình ông có có 298,4m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 75) bị thu hồi để thực hiện công trình, với số tiền đền bù là 13,905 triệu đồng. Cũng theo ông Nhuận, địa phương đã áp giá tính bồi thường về đất nông nghiệp chỉ có 23,3 ngàn đồng/m2. “Đất ở đây cách trung tâm thành phố chừng 3km, nên áp giá tính như vậy là quá thấp”, ông Nhuận nói.

Không chỉ có gia đình ông Nhuận, một số hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 cũng rất bức xúc cho rằng giá đền bù đất quá thấp. Gia đình ông Nguyễn Văn Thông và bà Phan Thị Diệu Quyên (tổ 17, khu vực 5) cho hay, gia đình ông có 558,4m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 18) bị thu hồi để thực hiện công trình, với giá bồi thường chỉ 23,3 ngàn đồng/m2.

Theo cách lý giải của các hộ dân thì cần xác định giá đất theo hướng trung bình của ba giá gồm khung giá của Chính phủ, giá thị trường và khung giá của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo cách tính này, đất nông nghiệp của người dân phải được bồi thường với mức giá 1,01 triệu đồng/m2 khi bị thu hồi; đất ở sẽ là 3,111 triệu đồng/m2.

Được biết, việc triển khai công trình khiến 43 hộ dân sinh sống ở các tổ 16 và 17 phường Thủy Xuân bị ảnh hưởng do bị thu hồi 3,7 ha đất nông nghiệp, đất ở. Trong số 43 hộ đó, có bảy hộ dân ngoài bị thu hồi đất nông nghiệp còn bị thu hồi đất ở, giá đền bù bị cho là cũng thấp. Hộ ông Nguyễn Minh Hiền (tổ 16) cho hay, ngoài bị thu hồi 71,1m2 đất nông nghiệp được bồi thường với giá 23,3 ngàn đồng/m2, hộ ông còn bị thu hồi 60m2 đất ở và được bồi thường với mức 940 ngàn đồng/m2 với tổng số tiền nhận được là gần 79 triệu đồng. “Giữa khung giá đất nông nghiệp của UBND tỉnh so với giá đất thực tế người dân chuyển nhượng có vị trí tương tự trong khu vực chênh lệch nhau gần 100 lần. Các cấp có thẩm quyền cần xem xét và thẩm định chính xác về giá đất, tránh gây thiệt thòi quyền, lợi ích chính đáng của người dân”, ông Hiền nhấn mạnh.

Bên cạnh bức xúc trước việc chính quyền đền bù đất nông nghiệp và đất ở với giá “bèo”, nhiều hộ dân còn không đồng tình trước tình trạng đất bị thu hồi nhưng không được bồi thường. Ông Nguyễn Văn Xưng (ngụ tổ 16), cho hay, dòng họ ông có là 2504 m2 đất bị thu hồi. Tất cả diện tích đất này dòng họ Nguyễn quản lý, sử dụng từ trước năm 1945; nộp thuế cho Nhà nước theo quy định và sau này được miễn thuế, không hề tranh chấp với ai. Thế nhưng trong tổng diện tích đất trên, chính quyền chỉ bồi thường 1475 m2 với mức giá 23,3 ngàn đồng/m2, số diện tích còn lại không được bồi thường.

Theo bà Trần Thị Huyền, cán bộ địa chính UBND phường Thủy Xuân, hiện một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải tỏa. Nguyên nhân là không đồng tình trước việc áp giá bồi thường thấp và việc nhiều diện tích đất không được bồi thường. Theo bà Huyền, đất đai bị thu hồi bởi dự án được người dân sử dụng ổn định từ trước năm 1975 đến nay. Những diện tích đất không được bồi thường có hồ sơ địa chính, có số thửa, diện tích đúng như người dân đang sử dụng, nhưng chưa được cấp sổ đỏ.

“Trước đó, trong các cuộc họp với UBND TP, phường đã nhiều lần kiến nghị xem xét lại việc áp giá bồi thường đất cũng như việc nhiều hộ dân không được bồi thường khi bị thu hồi đất để tránh thiệt thòi cho người dân. Phường chỉ có thể kiến nghị, bởi cơ quan quyết định việc bồi thường là UBND TP Huế”, bà Huyền cho hay.


Nguồn: Báo Pháp Luật VN

Tin liên quan