Thưởng Tết Dương lịch 2022: Ngân hàng nhỏ lên tiếng sớm, ngân hàng lớn im lìm
Theo thống kê đến 30/12/2021, đã có khoảng trên 10 ngân hàng chi thưởng Tết Dương lịch 2022 cho cán bộ nhân viên.
Với các ngân hàng, thông tin về thưởng Tết sẽ càng “nóng” hơn bởi ngành này vốn được mặc định là luôn có mức chi thưởng Tết cao hơn so với các ngành khác.
Theo thống kê đến 30/12/2021, đã có trên 10 ngân hàng chi thưởng Tết Dương lịch 2022 cho cán bộ nhân viên.
Thưởng Tết 2022 ngân hàng thưởng nhiều nhất?
VietinBank là ngân hàng thuộc nhóm Big4 có thông tin thưởng Tết dương lịch sớm nhất. Ngoài tháng lương thứ 13, mỗi nhân viên, người lao động tại ngân hàng này còn được nhận thêm 5 triệu đồng.
Được biết, thu nhập bình quân của nhân viên VietinBank thuộc top đầu của ngành, đạt khoảng 28 triệu đồng/người/tháng theo báo cáo tài chính của hai quý đầu năm. Như vậy, bình quân dịp Tết dương lịch 2022, mỗi nhân viên VietinBank bỏ túi “sương sương” 30 triệu đồng.
Hiện chưa có thông tin về 3 ngân hàng còn lại trong nhóm big4 là Agribank, BIDV, Vietcombank. Tuy nhiên, đây đều là những ngân hàng có lợi nhuận “khủng” nên thường chi mạnh tay cho thưởng Tết. Thậm chí, việc chi thưởng còn diễn ra làm nhiều đợt, dưới nhiều hình thức khác nhau và kéo dài qua Tết Nguyên đán. Tất nhiên, VietinBank cũng không phải là ngoại lệ.
Trong khi phần lớn các ngân hàng có vốn nhà nước đang im hơi lặng tiếng, khối ngân hàng TMCP đã sớm công bố và giải ngân.
Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank) là một trong số những ngân hàng công bố mức thưởng Tết dương lịch 2022 sớm nhất với mức chi là 1 tháng lương thứ 13. Theo báo cáo tài chính quý 2 của ngân hàng, mức thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên PVComBank là 18,39 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải mỗi nhân viên ngân hàng này sẽ nhận bình quân số tiền trên trong dịp Tết dương lịch này, bởi con số 18,39 triệu đồng thu nhập bình quân đã bao gồm lương và phụ cấp.
Trong khi đó, người lao động làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã nhận được tháng lương thứ 13 và 1 tháng lương cố định. Lương cố định (lương cứng) là mức lương thỏa thuận giữa ngân hàng và người lao động, và sẽ thấp hơn nhiều so với lương kinh doanh thực lĩnh. Theo báo cáo tài chính 2 quý đầu năm 2021, SHB đang là ngân hàng nằm trong top trả lương cao nhất trong ngành với mức thu nhập bình quân lên đến 39,7 triệu đồng/tháng (đã bao gồm các khoản phụ cấp và chi khác cho nhân viên).
Tương tự, NamA Bank và BacA Bank trong ngày 30/12 cũng đã chuyển khoản 1 tháng lương thứ 13 và thêm 1 triệu đồng thưởng Tết dương lịch cho nhân viên. So với NamA Bank, thu nhập của nhân viên BacA Bank có phần nhỉnh hơn, với mức lương và phụ cấp bình quân trên 20 triệu đồng.
VPBank và Sacombank là những ngân hàng chi tháng lương thứ 13 dịp Tết dương lịch này. Được biết, mức thu nhập bình quân tại VPBank là khoảng 27 triệu đồng/tháng, trong khi tại Sacombank có mức bình quân khoảng 25 triệu đồng.
Một trong số những ngân hàng có mức chi lương cao nhất thị trường là Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã chi cho nhân viên tháng lương thứ 13 kèm theo 3 triệu đồng dịp Tết dương lịch 2022. MB đang là ngân hàng trả lương cao thứ hai sau Techcombank với mức trung bình hàng tháng lên đến 35 triệu đồng.
Còn Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng chi thưởng tháng lương thứ 13, với tên gọi là chi thưởng bổ sung.
Theo đó, khoản thưởng này tương đương 1 tháng lương bình quân theo thời gian làm việc thực tế. Những ai là cán bộ nhân viên MSB, gồm cả cán bộ cung ứng nhân lực, có kết quả xếp loại hoặc dự kiến xếp loại từ B trở lên sẽ nhận được khoản thưởng này. Và thời gian chi muộn nhất là ngày 22/12/2021.
Được biết, tại ngân hàng mẹ MSB, lương bình quân của nhân viên trong năm 2020 là 24,55 triệu đồng/tháng, so với năm trước đã tăng 14%. Tổng thu nhập bình quân của nhân viên khi tính cả các khoản phụ cấp và thu nhập khác trong năm rơi vào khoảng 24,61 triệu/tháng.
Còn thu nhập trung bình của nhân viên ngân hàng MSB trong 9 tháng đầu năm 2021 là khoảng 30 triệu/tháng.
Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng làm ngân hàng “việc nhẹ lương cao”. Tuy nhiên, để có được mức thu nhập cao như vậy, đương nhiên nhân viên ngân hàng phải đánh đổi không ít thời gian và sức lực.
Một nhân viên có thâm niên gần 10 năm tại một ngân hàng TMCP cho biết, người làm ngân hàng thường trông chờ vào dịp cuối năm để lĩnh thưởng. Nói là thưởng, thực chất đó là tiền kinh doanh, là công sức của chính những nhân viên mang lại mỗi tháng.
“Chỉ có điều, chúng tôi không được nhận ngay mà phải chờ đến cuối năm mới dồn lại nhận một cục. Thế nên, người ngoài nhìn vào nghĩ là nhiều, chứ nếu tính thu nhập cả năm, tôi không nghĩ có sự khác biệt quá lớn so với các ngành nghề khác”, nhân viên ngân hàng này nói.
Ngay mức thưởng cụ thể của từng nhân viên ngân hàng cũng còn phải tùy thuộc vào xếp loại của chi nhánh và xếp loại bình bầu cá nhân từng người.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/thuong-tet-2022-ngan-hang-nao-thuong-nhieu-nhat-401838.html