Tiếng kêu cứu của phụ nữ Campuchia bị bán sang Trung Quốc

Hàng chục phụ nữ và trẻ em gái Campuchia bị đưa đến Trung Quốc mỗi năm, nơi họ bị ép hôn với đàn ông địa phương. Phần lớn họ khó có thể thoát khỏi cảnh 'cá chậu chim lồng'.

Khi Mặt Trời lặn trên những cánh đồng lúa xanh tươi đâu đó ở tỉnh Pursat phía tây Campuchia vào một chiều tháng 1, cô con gái 2 tuổi của Kunthea ùa vào lòng mẹ. Ngồi trên chiếc đi văng, mặc chiếc áo phông nhuộm cam, cô lặng lẽ tận hưởng khoảnh khắc với một trong hai đứa con của mình sau hơn 2 năm xa cách.

Chúng chính là lý do mà cô từng cố xin một chân vào nhà máy đồ chơi ở miền Trung Campuchia, sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên vào năm 2020, dù điều đó có nghĩa là cô phải để lại các con cho người anh họ của mình nuôi dưỡng, cách xa một nửa đất nước.

Thế nhưng, đại dịch Covid-19 ập đến, dồn nền kinh tế vào bước đường suy thoái, mức lương vốn đã ít ỏi của bà mẹ trẻ bị giảm một nửa, còn 120 USD mỗi tháng với mỗi ngày làm việc 12 giờ.

Không thể trang trải tiền nuôi con, tháng 10/2020, hy vọng nhen nhóm bên trong Kunthea khi một người làm cùng nhà máy nói rằng cô có thể kiếm được 1.100 USD/tháng khi làm công việc tương tự ở Trung Quốc, gấp gần 10 lần mức thu nhập hiện tại. “Tôi phải nuôi hai đứa con. Chỉ cần nghe nói rằng tôi có thể kiếm được nhiều hơn, tôi muốn đi ngay mà không buồn suy nghĩ”.

Và đó là cách mà Kunthea cũng như rất nhiều trẻ em gái và phụ nữ nghèo Campuchia khác trở thành nạn nhân của mạng lưới buôn bán cô dâu sang Trung Quốc, nơi họ dễ đến nhưng khó đi.

Vỡ mộng

Kunthea được người phụ nữ kia cho 200 USD và chỉ đến một địa chỉ ở Phnom Penh, nơi có người giúp cô đến tận Trung Quốc vào tháng 11 năm đó. Sau 2 ngày chờ đợi xung quanh nhà của một người môi giới cùng hàng chục phụ nữ khác, cả nhóm được lùa lên xe khách.

Kunthea bị lừa bán cho một người đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây. Ảnh: South China Morning Post.

Cuộc hành trình kéo dài khoảng một tuần qua Campuchia và Việt Nam đến biên giới Trung Quốc. Khi đến nơi, họ được chia thành nhóm bốn người và đưa lên taxi đến những nơi khác nhau.

Không nghi ngờ gì, Kunthea đưa giấy tờ của mình cho những tay buôn người Trung Quốc, những kẻ nói rằng họ cần chúng để mua SIM cho nhóm phụ nữ. Thế nhưng sau đó, không chỉ không có thẻ SIM nào đến tay, mà cả giấy tờ của họ cũng không cánh mà bay.

“Trong 3-4 ngày đầu tiên, họ nhốt chúng tôi trong một căn phòng. Dù sau đó họ có mở cửa, chúng tôi vẫn không thể đi đâu ra khỏi địa phương vì không có căn cước, và vì sợ rằng sẽ bị cảnh sát bắt”.

Nhóm phụ nữ - trong đó ít nhất một người chỉ mới 16 tuổi, theo Kunthea - sống vất vưởng như vậy trong nhiều tuần liên tiếp.

Sau nhiều tháng nhàn rỗi, Kunthea cuối cùng được đến làm việc tại một nhà máy, nơi cô rửa đồ tái chế trong 3 tháng và kiếm được tổng cộng 1.100 USD. Trong khi đó, bạn cùng phòng của cô lần lượt biến mất, bị bán và ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc.

Điều Kunthea lo sợ cuối cùng đã đến vào tháng 8 năm ngoái, khi cô bị bán cho một người đàn ông hói đầu ở tỉnh Giang Tây nằm phía đông đất nước. Anh ta bị cáo buộc đã trả cho một "nhà môi giới hôn nhân" 2.000 USD để cưới Kunthea. “Tôi quyết định đi một cách lặng lẽ vì nếu tôi tranh cãi với họ, tôi sẽ không an toàn. Họ sẽ bạo hành tôi”, cô nói.

“Họ đã bán một trong những người bạn của tôi. Cô ấy đã sống với một người chồng bạo lực và họ cãi nhau mọi lúc. Sau đó họ bán cô ấy cho một người đàn ông khác”.

Những “món hàng” giá hời

Kunthea là một trong những nạn nhân - bao gồm trẻ em gái và phụ nữ Campuchia - bị bán sang Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu kết hôn của nhiều đàn ông địa phương không thể lấy được vợ trong nước do sự mất cân bằng giới tính trầm trọng.

Chính sách một con của nước này từ năm 1979 đến năm 2015 đã làm trầm trọng thêm tác động trực tiếp của tư tưởng trọng nam khinh nữ cổ hủ, dẫn đến tình trạng phá thai chọn lọc giới tính diễn ra phổ biến.

Các nhà nghiên cứu ước tính 30 triệu đến 40 triệu trẻ em gái Trung Quốc không thể chào đời vì chọn lọc giới tính.

Kunthea đến Trung Quốc với hy vọng kiếm được một công việc lương cao hơn để nuôi sống 2 con. Ảnh: South China Morning Post.

Mất cân bằng giới tính đã khiến việc kết hôn với phụ nữ trong nước trở nên khó hơn, khi nhà trai phải chi trả khoản lớn để cho con dâu “của hồi môn”.

Đến năm 2021, nhà trai ở Trung Quốc được cho là phải trả cho nhà gái tới 40.000 USD dể hỏi cưới. Xét đến mức phí đó, các cô dâu nước ngoài với số tiền nhiều nhất là khoảng 25.000 USD - mức của năm 2020, theo Trung tâm Liên minh Lao động và Nhân quyền Campuchia - để trả cho các “đại lý” dường như là lựa chọn tốt hơn đối với nhiều đàn ông.

Một số cô dâu nước ngoài tìm cách bỏ trốn thường bị đánh đập và cưỡng hiếp. Những phụ nữ từ chối kết hôn hoặc không sinh được con trai thừa kế thường bị bán cho nhiều người đàn ông.

Một số trẻ em gái và phụ nữ thậm chí còn bị chính gia đình của họ bán với giá từ 1.000 USD đến 3.000 USD, theo một nghiên cứu gần đây của cơ quan giám sát quốc tế Global Initiative Against Transnational Organisation Crime (Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có tổ chức Xuyên quốc gia).

Theo tổ chức, vấn nạn này vốn đã kéo dài trong nhiều năm ở Campuchia và “đã leo thang” kể từ năm 2016, và thậm chí gia tăng hơn nữa từ khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020.

Tổ chức Chab Dai của Campuchia, làm việc trực tiếp với các nạn nhân buôn người xuyên biên giới, cho biết số trường hợp phụ nữ Campuchia bị lừa bán đã tăng gấp đôi, với cứ 3 ngày lại có một người mới bị bán trong quý đầu tiên của năm 2020.

Vào thời điểm đó, việc cắt giảm việc làm lớn trên các lĩnh vực chủ yếu thuê phụ nữ, chẳng hạn như ngành may mặc, đã giúp các tổ chức buôn người dễ dàng hơn trong việc dụ hoặc các lao động khốn khó, Chan Saron, một quản lý cấp cao tại Chab Dai, cho biết trong một cuộc họp trực tuyến gần đây.

“237 nhà máy đã tạm ngừng hoạt động ở Campuchia, với ước tính 118.000 công nhân bị ảnh hưởng. Dù biên giới quốc tế từ Campuchia đến Trung Quốc đã bị đóng cửa, nạn buôn người xuyên biên giới vẫn gia tăng so với năm trước”, bà nói.

Kunthea bị đe dọa tống giam khi cố trốn khỏi nhà chồng. Ảnh: South China Morning Post.

Nhà giam tiếp nối nhà giam

Các chuyên gia cho biết trước khi đại dịch bùng phát, các cô dâu sẽ nhập cảnh vào Trung Quốc bằng thị thực du lịch và thường bị ép buộc kết hôn trong tháng đầu tiên họ đến. Sau khi kết hôn, họ gần như không thể đi đâu vì không biết nơi ở của mình và bị giám sát chặt chẽ.

Thi Hoang, nhà nghiên cứu của Global Initiative, cho biết: “Điện thoại di động của họ sẽ bị lấy đi và họ bị cấm ra khỏi nhà khi không có người đi cùng. Họ cũng bị cấm liên lạc với bạn bè hoặc người thân ở Campuchia”.

Tuy nhiên, Thi Hoang cho biết nhiều phụ nữ hồi hương về Campuchia đã tìm kiếm sự giúp đỡ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hoặc WeChat.

Đó cũng là cách mà Sok (22 tuổi) được cứu. Tháng 11/2020, sau 2,5 năm sống trong sợ hãi, cô chia sẻ một bài đăng trên Facebook: “Họ đã ép tôi lấy chồng ở đây. Họ nói nếu tôi không lấy họ làm chồng, họ sẽ bán tôi vào nhà chứa. Tôi muốn tự do và gặp lại gia đình”.

Bức ảnh kèm theo bài đăng cho thấy căn phòng nơi cô đang bị giam giữ: Tầng hầm tồi tàn với một chiếc giường.

Sok, người tỉnh Kratíe, bị lừa vào năm 2018 giống với cái cách mà Kunthea bị đưa vào tròng: Một đồng nghiệp nào đó thỏ thẻ về một công ty tốt ở Trung Quốc với mức lương cao gấp 3, gấp 4, thậm chí là gấp chục lần, cùng với những đãi ngộ hấp dẫn.

Khi đó Sok 17 tuổi và anh trai cô, trụ cột duy nhất của gia đình, vừa qua đời trong một tai nạn.

Sau nhiều lần bỏ trốn và cầu cứu, Kunthea cuối cùng đã được đoàn tụ với các con vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: South China Morning Post.

Cô bay từ Phnom Penh đến Việt Nam, tiếp tục đi về phía biên giới Trung Quốc bằng xe khách, và chỉ nhận ra có điều gì đó không ổn khi cô được yêu cầu leo lên một chiếc xe máy hướng về những ngọn núi. “Khi thấy chúng tôi phải len lỏi thập thò quanh những ngọn núi và họ bảo tôi im lặng, tôi mới ngờ ngợ rằng điều này là bất hợp pháp”.

Khi đó, đã quá muộn để bỏ trốn.

South China Morning Post đã thu được một đoạn ghi âm, được cho là của một kẻ buôn người gửi cho một cho một phụ nữ Campuchia khi đó bị mắc kẹt ở Giang Tây. "Nếu cô không theo chồng hay dám bỏ chồng, họ sẽ bắt cô vào tù, cho cô ăn cơm tù", một giọng nữ hét lên bằng tiếng Khmer.

Như những lời người phụ nữ kia cảnh báo, tại Giang Tây, Kunthea đã bị tống giam sau khi cố bỏ trốn khỏi nhà chồng vào năm 2021.

Kunthea bị giam một mình trong một căn phòng không có cửa sổ. Cô không nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong nhiều tuần liền. “Trong tù không ai nói chuyện với tôi. Họ chỉ đi xung quanh, đặt thức ăn vào và đi ra ngoài”.

Trong khi đó, gia đình chồng cô đã được cảnh sát thông báo. “Người phiên dịch nói với tôi rằng nếu tôi không đi về cùng chồng, tôi sẽ phải ngồi tù một năm. Nhưng nếu tôi quyết định đi cùng chồng, tôi có thể sẽ phải ở Trung Quốc mãi mãi”.

Nguồn: zingnews.vn

Tin liên quan