Trẻ áp lực trước kỳ vọng của cha mẹ: Giải pháp nào thu hẹp khoảng cách
“Bức tường thành” với con cái - khoảng cách vô hình bởi sự kỳ vọng lớn
Hàng năm, cứ cận kề các kỳ thi chuyển cấp, đâu đó lại xuất hiện những câu chuyện đau lòng về trẻ bị trầm cảm, tự tử. Trước những câu chuyện ấy, những người làm cha, làm mẹ thấy đau lòng và hiểu cho nỗi lòng của nhau.
Nhiều bậc phụ huynh khi nghe chuyện thường buông ra lời trách cứ đứa trẻ dại dột, thậm chí nặng nề hơn là bất hiếu. Tuy nhiên, có mấy bậc phụ huynh đứng trên lập trường của con trẻ để phân tích, mổ xẻ vấn đề và tìm ra nguyên do của những câu chuyện đau lòng ấy từ đâu? Trước những câu chuyện tưởng chừng như xa xôi lắm ấy, có mấy ba mẹ nhìn nhận lại chính câu chuyện với con cái mình?
Trên thực tế, hiện nay, nhiều trẻ phải đối mặt với nhịp độ học căng thẳng, chạy đua với thời gian mỗi ngày, từ học ở trường, học thêm, học ở nhà. Bản thân các em luôn phải “căng mình” để có thể đáp ứng với nhịp độ ấy. Thêm nữa, độ tuổi này bắt đầu bị phân tâm với nhiều vấn đề xung quanh như: thay đổi tâm sinh lý, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình… và có dấu hiệu Trong khi, tâm lý chung của cha mẹ luôn mong muốn con cái tập trung và có thành tích tốt trong học tập.
Sự “lệch pha” trong tâm lý, lứa tuổi và mối quan tâm dẫn tới việc không thấu hiểu nhau, dẫn tới việc đôi lúc cha mẹ có động thái áp đặt, so sánh hay chì chiết khi con không được như mong đợi.
Hà Anh, học sinh lớp 6 một trường THCS tại Cầu Giấy chia sẻ, mỗi ngày, ngoài việc học ở trường, em thường đi học thêm 3 ca nữa tại các Trung tâm. Chỉ riêng việc di chuyển thôi em đã thấy mệt mỏi nhưng không muốn bố mẹ buồn nên em vẫn cố gắng.
“Mỗi lần có điểm thi em thật sự căng thẳng. Em sợ ánh mắt thất vọng và cái lắc đầu của bố mẹ mỗi lần em không đạt thành tích tốt” - Minh Chiến, một học sinh lớp 9 tại Hà Nội chia sẻ.
Với kỳ vọng quá lớn, nhất là về thành tích học tập của con, nhiều bậc phụ huynh khắt khe, áp đặt con cái trong mọi hoạt động. Điều này, đặt lên vai các em gánh nặng, lâu ngày sẽ trở thành“bức tường thành” đầy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, lâu dần, trẻ càng dễ sống khép kín.
Công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho thấy, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) với trên 1.200 học sinh bậc Tiểu học và THCS ở Hà Nội cho thấy, có hơn 19% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần chung và trong số các ca tự sát có 10% ở lứa tuổi từ 10 - 17 tuổi.
Kết quả của một Dự án về trẻ em khác cũng cho thấy, trên 2.000 trẻ em 2001 - 2015 tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước có tới 8 - 22% trẻ em tham gia dự án có dấu hiệu rối nhiễu tâm trí như: chán học, trở nên lì lợm, khó bảo, cư xử thô bạo.
Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi học sinh THCS là lứa tuổi “lỡ cỡ” về tâm lý. Ở độ tuổi này, các em đang muốn chứng tỏ bản thân đã lớn, thích được độc lập, muốn thoát khỏi sự giám sát của cha mẹ và dễ có thái độ chống đối nếu bị áp đặt, kiểm soát. Bên cạnh đó, những cử chỉ, sắc thái hay hành động vô tình của cha mẹ cũng dễ làm các em bị tổn thương dẫn đến những quyết định không đáng có.
Trước những con số đáng báo động này, có nên chăng các bậc phụ huynh nên nhìn nhận lại mối quan hệ với con cái, nhất là trong việc học tập.
Đồng hành cùng con theo cách của cha mẹ thời công nghệ
Những con số báo động ở trên, suy cho cùng cũng xuất phát từ kỳ vọng quá lớn và sự không thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Theo các chuyên gia, dù không dễ dàng nhưng để có thể phá vỡ được “bức tường thành” vô hình kia, cha mẹ nên chủ động tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và luôn đặt mình vào con cái để hiểu suy nghĩ của chúng cũng như đưa ra những định hướng cho con.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh lứa tuổi THCS và là mẹ của hai cậu con trai, cô Phạm Thị Thúy Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú (Hà Nội) bày tỏ, cô hoàn toàn hiểu được sự mong mỏi, kỳ vọng của những người làm cha, làm mẹ.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không hiểu được rằng, đôi khi chỉ là vài lời so sánh, là ánh mắt thất vọng hay một tiếng thở dài cũng có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề mà cố gắng quá sức hoặc ngày càng trở nên tự ti, khép kín. Nguy hiểm ở chỗ, nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dễ gặp phải những vấn đề tâm lý và có những hành xử tiêu cực.
Chỉ cần ba mẹ kiên nhẫn dành thời gian, mọi khoảng cách đều có thể hóa giải |
Cô Ngọc cho rằng, thay vì đứng ngoài và kỳ vọng, cha mẹ hãy đồng hành cùng con không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đồng hành cả trong học tập. Nhiều cha mẹ lo lắng việc mình không có kiến thức căn bản hoặc không thể cập nhật những thay đổi trong chương trình giáo dục hiện hành để có thể đồng hành cùng con.
Tuy nhiên, đó không thật sự là cản trở lớn bởi hiện nay có nhiều chương trình học trực tuyến cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản như: Chương trình Học tốt của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, ngôn ngữ EQ, tiếng Anh… thuận lợi cho việc ba mẹ học cùng con cái. Theo cô Ngọc, với mặt bằng chung của những bậc cha mẹ thời công nghệ hiện nay thì việc đồng hành cùng con thông qua các chương trình học trực tuyến không phải là khó khăn.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phá bỏ được những quan niệm về thành tích, về cách giáo dục áp đặt, khắt khe tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là việc không thể ngày một ngày hai có thể thay đổi. Cản trở lớn nhất là liệu cha mẹ có thật sự dành thời gian và mong muốn làm bạn của con ở bất kỳ lĩnh vực nào hay không? Tuy nhiên, chỉ cần các bậc cha mẹ nỗ lực, nhìn nhận rõ những nguy cơ của việc hình thành khoảng cách này cùng với tình yêu vô hạn mà cha mẹ nào cũng có thì vấn đề này sẽ không còn là nan giải nữa.
Nguồn SKĐS