Từ ấn tượng đến điểm số

Thi đấu ngoan cường, quả cảm và thể hiện được những điểm nhấn về năng lực trước Saudi Arabia và Australia, đội tuyển Việt Nam đã tạo được ấn tượng đậm nét trong giới chuyên môn và dư luận.

Nhưng từ ấn tượng đến giành được điểm số trước các đối thủ hàng đầu châu lục vẫn là khoảng cách. Hai trận sắp tới gặp Trung Quốc và Oman là cơ hội để kiếm điểm số đầu tiên, cao hơn là chiến thắng đầu tiên tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Mục tiêu ấy đang được đoàn chiến binh sao vàng hướng tới trong khi nhiều luồng ý kiến luận bàn vênh lệch nhau về đường đi nước bước của đội tuyển trong bối cảnh giải đấu AFF Cup 2020 đã đến gần.

Đội tuyển Việt Nam đã có trận ra quân đầu tiên tại Vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á gặp Đội tuyển Saudi Arabia. Ảnh: TTXVN

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, khi không có hy vọng vượt qua Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển nên ưu tiên cho việc thử sức, rèn luyện cho các cầu thủ mới và trẻ để chuẩn bị cho tương lai. Cũng bàn về đổi mới nhân sự nhưng luồng ý kiến thứ hai cho rằng, AFF Cup không còn là mục tiêu lớn của bóng đá Việt Nam khi ta đã đoạt được hai lần (2008 và 2018). Nhiều đội bóng khu vực cũng không còn quá mặn mà với giải đấu này. Đồng thời, họ cũng đang gặp nhiều khó khăn do các giải trong nước phải hủy vì đại dịch hoặc khó triệu tập được tuyển thủ đang thi đấu ở nước ngoài vì AFF Cup không nằm trong hệ thống của FIFA.

Luồng ý kiến thứ ba: Hãy tập trung lực lượng tốt nhất để giành kết quả cao nhất cho cả hai mặt trận trên. Như vậy có phải là tham lam quá không? Có phải chỉ nhìn gần mà không nhìn xa, không lo chuẩn bị cho thế hệ kế cận? Sự thật thì khoảng thời gian diễn ra AFF Cup từ ngày 5-12-2021 đến 1-1-2022 nằm giữa quãng nghỉ của vòng loại World Cup, đồng thời các giải đấu trong nước cũng đã bị hủy. Sự thật thì đội tuyển U.22 Việt Nam đã thường xuyên được tuyển chọn tập luyện trong hai năm qua, thậm chí còn được huấn luyện và đá tập cùng đội tuyển quốc gia. Đây là điều độc đáo của bóng đá Việt Nam trong bối cảnh đại dịch và cũng chính là tầm nhìn châu lục, World Cup của thầy Park cùng những người có trách nhiệm. Chính cách làm đồng thời, “xen canh gối vụ” đã giúp lứa U.22 Việt Nam gần nhất đoạt huy chương vàng SEA Games lần đầu tiên cho bóng đá nước nhà. Thành quả đó còn thể hiện trong quá trình huấn luyện và thi đấu của đội tuyển quốc gia tại vòng loại thứ hai và ngay cả vòng loại thứ 3 World Cup khi một số nhân tố mới và trẻ đã được ra sân thi đấu. Với sự chuẩn bị có thể nói là bài bản và kỹ càng như thế, đội tuyển hoàn toàn có thể có lực lượng thi đấu hiệu quả trên cả hai đấu trường.

Ở đây cần làm rõ: Không có chuyện bóng đá Việt Nam đã no nê danh hiệu ở khu vực, càng không có chuyện bảo vệ ngôi vương khu vực dễ như lấy đồ trong túi. Nỗ lực cao nhất chính là cách đội tuyển tôn trọng giải đấu nêu cao tinh thần thể thao, là cách bù đắp những thiệt thòi, hy sinh của các giải đấu, các câu lạc bộ trong nước và đền đáp cho lòng mong mỏi của công chúng.

Trở lại với mục tiêu điểm số trong các trận đấu sắp tới với Trung Quốc và Oman. Không chơi hết mình, ta không biết khoảng cách với bạn gần, xa đến đâu, không thể thành công về kết quả, tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo. Trong mắt giới quan sát, việc kiếm điểm ở cả hai trận đấu trong tháng 10 này là có thể. Gạt sang một bên những bình luận, nhận định bi quan, thất vọng của truyền thông Trung Quốc về đội tuyển của họ, chúng ta tỉnh táo để hiểu rõ mạnh, yếu của đội bóng từng toàn thắng trước các lứa tuyển Việt Nam trong quá khứ (không tính giao hữu) nhưng hiện đang chựng lại. Họ chựng lại so với nhiều nền bóng đá phát triển nhanh, chắc trong châu lục và so với tham vọng của các cổ động viên, nhưng vẫn là đối thủ xếp trên chúng ta về thành tích và có những ưu thế về thể hình, thể lực, lối chơi tốc độ, bóng bổng cùng những cầu thủ nhập tịch được chọn lọc.

Với Oman, chiến quả thắng 1-0 ngay trên sân nhà Nhật Bản dù trong bối cảnh nào thì cũng thể hiện sự tiến bộ rõ rệt của đội tuyển vốn chưa từng nổi đình đám xưa nay. Nếu như đã có khoảng thời gian dài bóng đá vùng Tây Á nhiều tiềm năng bị xem là hạn chế về tính tổ chức thì gần đây họ đã khắc phục được rất rõ ràng. Những lần đối đầu gần đây, tuyển Việt Nam đã phải nhận thất bại trước Iraq, Iran và mới nhất là UAE, rồi Saudi Arabia. Mặc dầu vậy, điểm yếu của Oman đã bộc lộ trong trận thua Saudi Arabia khi phòng ngự chưa kín kẽ và các mảng miếng tấn công không sắc sảo.

Quan trọng hơn cả chính là tinh thần cùng lối chơi phòng ngự-phản công đã khá nhuần nhuyễn của đội tuyển Việt Nam hứa hẹn vẫn tạo nên thế trận chắc, tiềm ẩn bất ngờ. Mặt khác, chúng ta đã có lực lượng tốt nhất có thể khi các tuyển thủ bị chấn thương hay thẻ phạt đã trở lại, những nhân tố mới cũng đã sẵn sàng ra trận. Trước hết, một đội hình gắn bó cùng nhau qua nhiều giải đấu, một hệ thống phòng ngự khó bị đánh bại, một năng lực chuyển đổi trạng thái phòng ngự-phản công là cơ sở để chúng ta hy vọng.

Không quá ảo tưởng xa xôi nhưng hãy tận hưởng, phát huy thành quả của bao nỗ lực nâng tầm đội tuyển để lần đầu tiên được so đọ với những đối thủ mạnh nhất châu lục.

Nguồn qdnd.vn

Tin liên quan