Tuyển sinh Đại học 2023: Tạo thuận lợi cho thí sinh

Thí sinh khi đăng ký trên phần mềm không cần phải lựa chọn phương thức, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo. Hệ thống sẽ tự động xét phương thức nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Năm 2023 sẽ giảm phương án xét tuyển. Ảnh: TL.

Đây là một trong những điểm mới dự kiến trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng năm 2023 nhằm đơn giản hóa cho thí sinh. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng đề nghị các trường ĐH loại bỏ những phương án tuyển sinh phức tạp gây ảnh hưởng đến các thí sinh.

Loại bỏ phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn cho thí sinh

Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong hơn 20 phương thức xét tuyển ĐH năm 2022, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2022 có 204 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo không có thí sinh xác nhận nhập học; 104 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo chỉ có dưới 10% thí sinh nhập học so với chỉ tiêu. Theo bà Thủy, nhìn vào con số này có thể thấy nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, do đó, năm tới đây sẽ kiên quyết loại bỏ các phương thức này.

Đáng chú ý, mỗi phương thức tuyển sinh có bao nhiêu thí sinh trúng tuyển, số liệu không được các trường công khai. Theo TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trong các phương thức tuyển sinh được thống kê, chỉ có 2 phương thức cơ bản là xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, với tỷ lệ 88,62%. Các phương thức còn lại chỉ chiếm 11,38% và trong đó hầu hết dưới 1%.

“Nên chăng các trường giới hạn phương thức tuyển sinh để tránh sai sót cho thí sinh trong quá trình đăng ký” – TS Hải đề xuất.

Trên thực tế, mỗi trường ĐH hiện nay đều có ít nhất từ 3 phương thức tuyển sinh trở lên, mỗi ngành lại có những phương thức xét tuyển và chỉ tiêu riêng. Thậm chí, chỉ riêng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ cũng có nhiều lựa chọn khi bên cạnh các chứng chỉ quốc tế đã có thêm chứng chỉ nội được các trường công nhận, đưa vào danh sách xét tuyển. Điều này có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng vì quá nhiều nên cũng khiến thí sinh cảm thấy lúng túng trong lựa chọn. Nhất là những học sinh thiếu sự định hướng từ thầy cô, gia đình sẽ phải tự tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh cũng như chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tham gia xét tuyển.

Với kết quả phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT cho thấy có sự chênh lệch đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng các trường cần hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để điều chỉnh trong năm 2023, khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, đề nghị các trường có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi.

Cân nhắc cẩn trọng

Về phía các trường, xu hướng chung là giữ ổn định các phương thức tuyển sinh song có sự điều chỉnh về tỷ lệ trúng tuyển giữa các phương thức. Đơn cử như năm 2022 ĐH Quốc gia TPHCM đã tuyển được khoảng 95% tổng chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên gần 40%.

Trong khi đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2022, trường dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều ngành không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển hai phương thức còn lại. Dự kiến từ các năm tiếp theo, trường sẽ tiếp tục giảm dần chỉ tiêu xét tuyển phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện các trường khối sức khỏe đã họp bàn về phương án tuyển sinh chung sau khi Bộ GDĐT không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu xét tuyển nữa. Dự kiến các trường sẽ tìm công cụ chung và có thể hướng đến một số kỳ thi của các đơn vị đã có kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trước đó.

Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, từ mùa tuyển sinh ĐH 2023, thí sinh có thể dùng điểm của 1 trong 2 bài thi đánh giá năng lực để đăng ký vào ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH xét tuyển từ 2 bài thi này. Sẽ có thang điểm quy đổi 2 bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở tham chiếu và sử dụng chung. Điều này cũng góp phần làm giảm số phương thức xét tuyển của các trường do đối chiếu được điểm giữa các thí sinh xét tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực khác nhau.

Nguồn: daidoanket.vn

Tin liên quan