Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Không nên chọn ngành, nghề theo đám đông

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra từ ngày 7-8/7 tới. Năm nay, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi THPT nên cần cân nhắc để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích.

Thí sinh không nên đăng ký ngành học theo đám đông.

Làm sao chọn ngành “vừa đúng, vừa trúng”?

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp vừa qua tại Hà Nội, nhiều thí sinh băn khoăn, mùa tuyển sinh năm 2022 với 20 phương thức xét tuyển khác nhau sẽ làm giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các thí sinh ở vùng nông thôn, những đối tượng chỉ có thể tiếp cận dễ dàng nhất với phương thức xét tuyển trên thiệt thòi.

PGS-TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khi quyết định đóng hay mở bất kỳ ngành đào tạo mới nào, nhà trường đã có sự phân tích, khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu việc làm, định hướng tương lai cũng như sự phát triển của nghề nghiệp so với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, thăm dò ý kiến doanh nghiệp, sinh viên...

Vì thế, tất cả các chương trình đào tạo mà trường đại học thông báo tuyển sinh đều đem lại cho người học những cơ hội việc làm nhất định. Thay vì chạy theo đám đông, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng.

“Tôi cho rằng, ưu tiên số một khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân; sau đó là sự cân nhắc, tính toán dựa trên năng lực của bản thân. Trước khi chọn ngành, thí sinh cũng cần quan tâm đến học phí đào tạo của chương trình đó sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình” - thầy Hải nhấn mạnh.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, những lo ngại như vậy là chưa chính xác. Với mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ vẫn là phương thức cơ bản ở nhiều trường. Các thí sinh ở khu vực nông thôn đã được cộng điểm ưu tiên khu vực do điều kiện học tập khó khăn hơn ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, nếu các em mong muốn đăng ký vào các ngành “hot” sẽ phải chấp nhận sức cạnh tranh lớn hơn.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH vẫn dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức này có thể giảm đi nhưng hầu hết chỉ dịch chuyển giữa 2 phương thức là sử dụng kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này sẽ không ảnh hưởng lớn đến những thí sinh ở khu vực nông thôn, khó khăn.

Đồng thời, Bà Thủy cũng nhấn mạnh, với cơ chế lọc ảo, thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng, và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình (đã sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng) khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, phù hợp nhất thì các em cần cân nhắc thật kỹ lưỡng và đặt lên trước các nguyện vọng đó theo thứ tự từ một đến hết nghề có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai để lựa chọn. Tuy nhiên, các hiệu trưởng, chuyên gia tuyển sinh mong muốn thí sinh, phụ huynh hãy cân nhắc lựa chọn ngành học vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa phù hợp năng lực thí sinh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thí sinh nên lưu ý về số lượng tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu cho từng tổ hợp. Nếu ngành mình dự định đăng ký có nhiều tổ hợp xét tuyển, trường đưa ra chung một điểm chuẩn cho các tổ hợp thì các em chỉ cần chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất. Nếu trường xét tuyển theo từng tổ hợp, mỗi tổ hợp có mức điểm chuẩn riêng thì nên đăng ký hết.

Ngành “hot” chưa chắc còn sức hút khi ra trường

Có thể nói, lựa chọn trường hay lựa chọn nghề sao cho trúng là vấn đề thí sinh quan tâm hiện nay. Tâm lý chung của phụ huynh và thí sinh là luôn hướng tới những trường, những ngành học thời thượng, với sức “nóng” cao.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhắn nhủ, trước hết thí sinh phải xác định được bản thân mình mong muốn điều gì, năng lực của mình mạnh ở đâu, đâu là nghề mình yêu thích nhất, từ đó mới đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp. Một điểm quan trọng, các em nên chọn ngành trước khi chọn trường. Bởi lẽ, hiện nay, các trường hầu hết đều đào tạo đa ngành, đa nghề. Thí sinh có thể chọn được ngành nghề yêu thích tại một ngôi trường tốt nhất có thể và phù hợp với năng lực của bản thân.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, một số ngành nghề thời điểm hiện tại rất “hot”, nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao. Các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, cơ khí, ôtô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược…

Theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, năm 2021, nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có tổng trên 199.000 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tuyển hơn 24.000 chỉ tiêu. Số thí sinh đăng ký NV1 vào nhóm ngành trên là trên 48.000, do đó số thí sinh đăng ký NV1/tổng chỉ tiêu vào nhóm ngành du lịch là hơn 201% và đứng thứ 4 trong 15 nhóm ngành được thí sinh đăng ký NV nhiều nhất.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam cho rằng, khi COVID-19 kết thúc, ngành du lịch sẽ đối mặt với hiện thực hết sức tàn khốc là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực. Nguyên do là ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19. Khi tình trạng này kéo dài, nhiều nhân sự không kiên trì, đeo bám nổi, chán nản, bỏ nghề, đi làm nghề khác… Khi hết dịch, họ cũng đã có thu nhập ổn định từ nghề mới, sẽ khó lựa chọn quay lại nghề cũ. Do vậy, hiện ngành du lịch vẫn cần một lực lượng nhân lực mới cập nhật xu hướng công nghệ và kết nối du lịch mà chúng ta đang thiếu.

55.53% thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học - Xã hội

Theo số liệu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký dự thi là 1.001.011. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93.32%); Số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6.68%).

Phân tích số liệu cụ thể, tổng số thí sinh tự do: 58.797 (chiếm 5.87%); Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 103.374 (chiếm 10.33%);

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh: 38.108 (chiếm 3.81%); Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 859.531 (chiếm 85.87%);

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN: 319.676 (chiếm 31.94%); Tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH: 555.813 (chiếm 55.53%).

Nguồn: https://baophapluat.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-2022-khong-nen-chon-nganh-nghe-theo-dam-dong-post446875.html

Tin liên quan