Tuyển Việt Nam thiếu năng lực duy trì sức ép

Trong trận bán kết lượt về AFF Cup với Thái Lan, tuyển Việt Nam thể hiện 2 bộ mặt hoàn toàn trái ngược và chấp nhận rời giải.

Dù đã phải nhận thất bại 0-2 trước Thái Lan ngay sau 45 phút đầu tiên ở trận lượt đi, tuyển Việt Nam vẫn mang lại những tia hy vọng cho người hâm mộ với màn trình diễn tích cực trong hiệp 2. Sự tích cực ấy được duy trì đến hiệp một của trận bán kết lượt về.

Tuy nhiên, tuyển Việt Nam lại không thể cụ thể hóa những sức ép, cơ hội thành bàn thắng. Để rồi sau đó, thầy trò HLV Park Hang-seo chơi một cách khó hiểu trong hiệp 2.

Tuyển Việt Nam để lại tiếc nuối.

Hai bộ mặt trái ngược

Với Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh trên hàng công, tuyển Việt Nam cho thấy ý đồ tấn công một cách tốc độ và trực diện. Điều đó thể hiện qua việc Hồ Tấn Tài phất một đường bóng dài vào vùng cấm đối phương ngay ở giây thứ 11.

Ở tuyến giữa, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức hay Phan Văn Đức cũng luôn quyết liệt trong các pha pressing để tranh cướp bóng. Từ đó, mở ra các cơ hội tấn công biên.

Tuyển Việt Nam có nhiều tình huống tấn công ấn tượng, có thể kể đến là pha Tấn Tài thoát xuống biên phải, tung đường căng ngang khó chịu ở phút thứ 3 hay pha Hồng Duy đường trả ngược về tuyến 2 để Quang Hải dứt điểm.

Các tiền đạo mục tiêu như Tiến Linh, Đức Chinh đều có cơ hội băng xuống đối mặt với thủ môn. Ở những tình huống đó, Chatchai Budprom đều phải băng ra nhanh và va chạm mạnh với 2 trung phong tuyển Việt Nam. Sau đó, anh dính chấn thương và phải rời sân bất đắc dĩ.

Trong 45 phút đầu tiên, tuyển Việt Nam tung ra 7 pha dứt điểm, 6 trong số đó được thực hiện trong vùng cấm. Điều đáng tiếc là các học trò HLV Park không thể làm rung mành lưới đối phương.

"Phải thừa nhận Thái Lan gặp khó khăn ở trận đấu này. Tuyển Việt Nam gây sức ép ngay trong những phút đầu tiên. Nếu họ có bàn thắng sớm, mọi chuyện sẽ càng khó khăn hơn. Thái Lan không thể trình diễn thứ bóng đá đẹp. Chúng ta không thể kiểm soát bóng", ông Chanwit Pholchiwin, cựu HLV tuyển Thái Lan, thừa nhận.

Đức Chinh và các đồng đội khiến hàng thủ Thái Lan vất vả trong hiệp 1.

Chứng kiến màn trình diễn ấy, không ít người hâm mộ tin tưởng vào thế trận sáng sủa, tích cực của tuyển Việt Nam trong hiệp 2. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Tuyển Việt Nam thực hiện được thêm 8 pha dứt điểm, nhưng không có cơ hội ăn bàn rõ ràng. Sau phút 65, Quang Hải và các đồng đội chỉ thực hiện được một lần dứt điểm nữa.

Có nhiều lý do để giải thích cho việc tuyển Việt Nam chơi bế tắc.

Đầu tiên, HLV Alexandre Polking tung Elias Dolah, trung vệ cao 1,96 m vào sân, chuyển sang chơi với sơ đồ chiến thuật 5-3-2. Điều này khiến tuyển Thái Lan phòng ngự chặt chẽ hơn, dễ dàng hóa giải các đường bóng dài của Việt Nam.

Tiếp theo, tuyển Việt Nam chơi quá nhiều bóng dài. Các trung vệ như Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng hay cả các tiền vệ trung tâm như Hoàng Đức, Quang Hải đều chủ động rót bóng dài quá sớm.

Trong khi đó, tuyển Việt Nam tung Công Phượng, Văn Toàn vào sân trong hiệp 2. Hai tiền đạo của HAGL giàu kỹ thuật, tốc độ nhưng gần như vô hại trước Dolah hay Manuel Bihr trong những pha tranh chấp trên không.

Shebby Singh, cựu danh thủ Malaysia, nhận định với Zing: "Tuyển Việt Nam chơi bóng dài quá sớm. Thông thường, các đội chỉ áp dụng lối đá này khi trận đấu còn ít thời gian. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam chơi bóng dài ngay từ đầu hiệp 2. Điều này không mang lại hiệu quả".

Ngoài ra, việc pressing liên tục trong hiệp một cũng khiến Quang Hải, Hoàng Đức không còn duy trì được thể trạng tốt. Họ chơi khá thấp trong hiệp 2. Khi đó, tuyển Việt Nam mất khả năng tranh chấp bóng 2.

Vì vậy, tuyển Việt Nam chỉ có tỷ lệ chuyền chính xác là 60%, con số khá thấp. Khi sức ép từ đối thủ không còn, "Voi chiến" chơi dễ dàng hơn trong hiệp 2 và bảo toàn được tỷ số cũng như tấm vé đi tiếp.

Tuyển Việt Nam chỉ mới ghi đúng một bàn trong khoảng thời gian sau phút 60 ở AFF Cup 2020. Đồ họa: Minh Phúc.

Vấn đề của tuyển Việt Nam

Đây không phải là lần đầu tiên tuyển Việt Nam không thể duy trì sức ép. Trước Campuchia, thầy trò HLV Park có lợi thế 4-0 ở phút thứ 57. Nhưng hơn 30 phút còn lại, họ không thể ghi thêm bàn thắng nào.

Để rồi những phút cuối, tuyển Việt Nam lại cho thấy sự vội vàng khi cần bàn thắng nhằm lấy ngôi đầu từ Indonesia. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn.

Trước đó, tuyển Việt Nam không thể ghi được bàn thắng nào trước Indonesia. Quang Hải và đồng đội có 21 pha dứt điểm, nhưng chỉ một lần đưa bóng đi trúng đích. Tuy nhiên, áp lực chủ yếu được tạo ra trong khoảng đầu trận đấu. Càng về cuối trận, tuyển Việt Nam càng tỏ ra thiếu chính xác trong những pha xử lý.

9 bàn của tuyển Việt Nam ở vòng bảng đều được ghi bởi nhóm đá chính. 8 trong số đó được thực hiện ở 60 phút đầu. Hàng công tuyển Việt Nam gần như bất lực trong 1/3 thời gian cuối trận. Vấn đề khác nữa là 20 quyền thay người thực hiện sau 4 trận gần như không mang tới khác biệt.

Tuyển Việt Nam không cần thiết phải đè bẹp mọi đối thủ bằng những chiến thắng đậm đà để chứng mình sức mạnh. Điều quan trọng là họ cần duy trì được lối chơi cũng như sự điềm tĩnh, chính xác để. Từ đó, tuyển Việt Nam mới có thể duy trì sức ép, khiến đối thủ mắc sai lầm và ghi bàn ở bất cứ thời điểm nào của trận đấu.

Việc duy trì sức ép mới chứng tỏ được sự nguy hiểm của đội bóng mạnh. Và ít nhất ở giải đấu này, tuyển Việt Nam không làm được điều đó.

Nguồn: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-thieu-nang-luc-duy-tri-suc-ep-post1285827.html

Tin liên quan