Việt Nam có vị thế vững chắc bất chấp COVID-19

Sự phản ứng nhanh chóng của Chính phủ trước số ca bệnh gia tăng

Theo tác giả bài báo, Việt Nam đang trải qua một đợt gia tăng các ca bệnh, một số cho rằng đây là làn sóng thứ tư của Việt Nam, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy có sự đột biến. Đó là sự gia tăng các ca bệnh xảy ra theo từng cụm.

TS. Theodore Karasik cho rằng, sau khi Việt Nam hứng chịu một làn sóng mới cách đây hơn 5 tuần, gần 6.000 trường hợp COVID-19 đã được ghi nhận ở 40 trong số 63 tỉnh thành của cả nước, trong đó có các địa phương là trung tâm sản xuất – nơi mà nhiều ông lớn công nghệ nước ngoài đang trông cậy. Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng trước sự gia tăng số ca bệnh.

Hiện các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh nơi có khu công nghiệp đang xảy ra nhiều cụm lây nhiễm. Tại tỉnh Bình Dương, một trung tâm công nghiệp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, các biện pháp cách ly xã hội đã được áp dụng tại 5 thị trấn vào đầu tháng 6.

Việt Nam có vị thế vững chắc bất chấp COVID-19

Việt Nam có các trung tâm sản xuất quan trọng nhất, cung cấp các bộ phận chính cho ngành sản xuất. Do đó, nếu dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng theo. Theo TS Theodore Karasik, các trung tâm công nghiệp của đất nước cần phải duy trì hoạt động để nền kinh tế tiếp tục phục hồi.

Việt Nam tiến tới tự chủ sản xuất vắc xin đáp ứng nhu cầu trong nước

Tác giả bài viết này khẳng định: “Chính phủ Việt Nam không chỉ nhập khẩu vắc xin mà đã có kế hoạch sản xuất vắc xin”. Hiện nay, quốc gia này đang tìm kiếm 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho khoảng 75% trong số 96,4 triệu dân. Trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, trong đó 38,8 triệu từ COVAX, 31 triệu liều vắc xin của Pfizer, 30 triệu liều vắc xin từ AstraZeneca, 20 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga và 5 triệu liều từ Moderna.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ để sớm sản xuất được vắc xin trong nước. Theo thỏa thuận, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và sẽ tiến hành đóng ống, gia công vắc xin phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng.

Bài báo nhận định, không thể nghi ngờ việc cộng đồng quốc tế đã công nhận khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 của Việt Nam. Hiện tại, do sự gia tăng các cụm lây nhiễm, quốc gia này đang nỗ lực tránh sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời dành ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân.

Quá trình tiêm chủng của Việt Nam bao gồm cả vắc xin AstraZeneca và Sputnik V của Nga. Trong bối cảnh này, việc duy trì các kênh thông tin đối ngoại, hợp tác là vô cùng quan trọng. Mới đây, một cuộc họp như vậy đã diễn ra, nhằm thúc đẩy những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề khu vực do sự tăng các ca lây nhiễm trong khu vực, chia sẻ những tiến bộ đạt được trong phòng chống dịch bệnh và các nỗ lực phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn có cuộc gặp với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Phiên họp song phương diễn ra bên lề Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) -Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 6. Ngoài ra còn có các cuộc họp với các quan chức từ Lào. Theo đó, bất chấp những tác động của đại dịch, quan hệ thương mại đầu tư, hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam với hai nước Lào và Campuchia vẫn không ngừng được nâng cao.

Bài báo của Eurasia Review kết luận, việc đưa các nước Đông Nam Á vào cùng một chiến dịch phục hồi sau đại dịch COVID-19 là rất quan trọng. Các hội nghị và kết quả cho thấy đại dịch đã mang lại một khởi đầu mới, giúp làm mới các mối quan hệ giữa các quốc gia.

Việt Nam sẽ có một tương lai thịnh vượng khi đất nước phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các làn sóng tăng đột biến ca lây nhiễm dịch là điều luôn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho mọi hành động luôn là chìa khóa của ngành y tế. Không có chương trình phục hồi nào là hoàn hảo, TS. Theodore Karasik khẳng định.

Nguồn SK&ĐS

Tin liên quan